Banner

(TTV) Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Chiều nay (15/5), tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo hội nghị.

 

 

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang có thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và một số ngành liên quan của tỉnh.  

 

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, năm 2019, cả nước đã xảy ra 16/21 loại hình thiên tai làm 133 người chết và mất tích; trên 40.200 nhà bị hư hỏng và phải di dời; trên 100.000 ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại tổng thiệt hại về kinh tế trên 7.000 tỷ đồng. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, từ nay đến cuối năm 2020 xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, bão tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng cuối năm 2020; Lũ tại các sông khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ ở mức báo động 1, báo động 2, trên các sông suối nhỏ có thể ở mức báo động 3, lũ sông Cửu Long muộn và ở mức báo động 2. 

 

Tại tỉnh Tuyên Quang trong năm 2019 và 5 tháng đầu năm 2020 đã xảy ra 23 trận thiên tai gây thiệt hại trên 50 tỷ đồng. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành rà soát, bổ sung các phương án, kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để đảm bảo ứng phó kịp thời khi có thiên tai xảy ra. Thường xuyên kiểm tra, rà soát các các khu vực xung yếu có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để thực hiện di dời người dân đến nơi an toàn. Khi có cảnh báo thiên tai xảy ra đã triển khai và chỉ đạo kịp thời công tác ứng phó thiên tai; tổ chức sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biên pháp đảm bảo an toàn; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện ứng phó theo phương án đã được phê duyệt. Chủ động sử dụng nguồn kinh phí để hỗ trợ đối với các thiệt hại về nhà ở, vật nuôi, cây trồng đã cơ bản được khắc phục sau thiên tai. 

 

Năm 2020, các địa phương trong cả nước tiếp tục kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai; cập nhật, hoàn thiện kịch bản phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, nhân lực để ứng phó kịp thời. Tổ chức đào tạo, tập huấn cho lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai và cộng đồng bằng các hình thức phong phú, hấp dẫn, dễ áp dụng; sử dụng hiệu quả quỹ phòng chống thiên tai tại các địa phương trong các giai đoạn phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Tập trung nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, trong đó cần nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác dự báo và phòng chống thiên tai các cấp; bổ sung các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, hiện đại hóa công nghệ dự báo. Khẩn trương kiểm tra, rà soát đầu tư nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai của công trình kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đê điều, hồ đập, khu tầu thuyền neo đậu trú tránh bão. Ưu tiên bố trí đầu tư công trung hạn 2021-2025 cho nhiệm vụ này./.

 

 Lý Vinh – Quang Thành