Banner

Ấn Độ lo ngại nguy cơ lây nhiễm biến chủng Kappa

Theo thống kê, tính đến 6h00 ngày 11-7, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 187.189.450 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, trong đó có 4.041.000 ca tử vong.

 

Người dân chờ đợi để được xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 tại một trung tâm sàng lọc ở Gangnam, phía Nam thủ đô Seoul, Hàn Quốc ngày 9 -7.


 

Châu Á - châu Đại dương

 

Ấn Độ đang phải chật vật ứng phó với dịch bệnh Covid-19 lây lan mạnh. Bang Uttar Pradesh đối mặt mối lo mới khi biến chủng Kappa đã khiến một người tử vong. Theo Tiến sĩ Amresh Kumar Singh, Trưởng khoa Vi trùng học, thuộc trường Cao đẳng Y tế Baba Raghav Das, biến chủng Kappa có thể nguy hiểm tương tự biến chủng Delta vì cùng một họ vi rút.

 

Kappa là một biến chủng kép của vi rút gây dịch Covid-19. Biến chủng này đang gây "báo động đỏ", khiến giới y khoa trên toàn cầu phải thúc đẩy tiến hành giải trình tự gen để giám sát sự lây lan của nó. Những triệu chứng khi nhiễm biến chủng Kappa cũng tương tự những triệu chứng ban đầu của bệnh sởi và xuất hiện 1-2 ngày sau khi nhiễm. Hiện chưa xác định được tốc độ lây nhiễm biến chủng Kappa vì chưa có nhiều trường hợp nhiễm, nhưng các xét nghiệm ban đầu cho thấy biến chủng này không khác nhiều so với biến chủng Delta.

 

Tại Đông Nam Á, Malaysia và Philippines tiếp tục ghi nhận thêm hàng nghìn ca nhiễm mới. Bộ Y tế Malaysia cho biết, trong 24 giờ qua, số ca mắc mới tiếp tục ghi nhận mức cao mới (9.353 ca), nâng tổng số người nhiễm ở nước này lên 827.191. Tính đến thời điểm này, đã có 3.197.890 người dân Malaysia hoàn thành tiêm 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19, tương đương 10% dân số. Theo Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và sáng tạo Malaysia Khairy Jamaluddin, kết quả trên giúp nước này đạt 1 trong 3 tiêu chí để chuyển sang giai đoạn 2 của Kế hoạch hồi phục quốc gia.

 

Bộ Y tế Philippines thông báo có thêm 5.675 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 1.467.119 ca. Trong khi đó, Thái Lan ghi nhận số ca tử vong theo ngày ở mức cao mới (91 ca), nâng tổng số lên 2.625 ca. Chính phủ Thái Lan quyết định áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt hơn ở thủ đô Bangkok cùng 5 tỉnh lân cận và 4 tỉnh ở miền Nam từ ngày 12-7.

 

Lào ghi nhận 93 ca mắc mới trong 24 giờ qua, trong đó 91 trường hợp là người nhập cảnh được cách ly ngay và chỉ có 2 ca cộng đồng tại tỉnh Champasak. Ban Chỉ đạo quốc gia Lào về phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Thái Lan khiến rất nhiều người Lào mất việc làm và phải về nước. Trong số này, nhiều người nhiễm biến chủng Delta, qua đó khiến số ca nhiễm tại Lào, đặc biệt tại các tỉnh biên giới tăng đột biến. Mặc dù toàn bộ người nhập cảnh đều được lấy mẫu xét nghiệm và cách ly ngay, nhưng Lào đang phải đối mặt nguy cơ lây nhiễm cộng đồng rất cao, nếu để xảy ra tình trạng nhập cảnh trái phép.

 

Campuchia cũng siết chặt kiểm soát dịch tại khu vực biên giới. Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch Covid-19 tại các khu vực biên giới nhằm ngăn chặn biến chủng Delta xâm nhập. 

 

Cùng ngày, Hàn Quốc ghi nhận 1.378 ca nhiễm mới, con số cao chưa từng có, trong đó 1.320 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 166.722 ca. Đây cũng là ngày thứ 4 liên tiếp số ca nhiễm theo ngày ở Hàn Quốc vượt ngưỡng 1.200 ca. Chính phủ Hàn Quốc chuẩn bị thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao nhất (cấp độ 4) để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ 4 lan ra toàn quốc.

 

Ngày 10-7, bang đông dân nhất của Australia, New South Wales thông báo ghi nhận 50 ca lây nhiễm trong cộng đồng trong 24 giờ qua, trở thành ngày có số ca mắc Covid-19 mới cao nhất từ đầu năm đến nay. Đáng lưu ý, trong số 50 ca vừa được phát hiện có 26 ca mắc có sự tiếp xúc rộng rãi khi đã nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Thủ hiến bang New South Wales Gladys Berejiklian bày tỏ quan ngại rằng tình hình dịch bệnh có thể xấu đi trong thời gian tới.

 

Châu Mỹ

 

Số ca nhiễm tại Mỹ đã vượt qua 34,7 triệu ca, với hơn 622.000 ca tử vong. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ đang khuyến khích các trường học mở cửa vào mùa thu tới. Theo khuyến nghị, những học sinh và giáo viên đã được tiêm phòng đầy đủ sẽ không cần đeo khẩu trang trong phòng học, tuy nhiên, cần bố trí ngồi cách nhau 1m. Trong thời gian qua, Mỹ đã đẩy mạnh chương trình tiêm chủng nhưng vẫn còn nhiều khu vực ở nước này có tỷ lệ tiêm chủng thấp và trẻ em dưới 12 tuổi chưa được tiêm. Các chuyên gia và giới chức y tế cảnh báo, những nơi chưa được tiêm phòng rất dễ bị bùng phát dịch do biến chủng Delta lây lan rất nhanh.

 

Ngày 10-7, Nhà Trắng cho biết Mỹ đã giao tổng cộng 40 triệu liều vắc xin cho các quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là một phần trong cam kết của chính quyền Tổng thống Joe Biden hỗ trợ các nước trên thế giới 80 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 do Mỹ sản xuất. 

 

Chile tuyên bố đã tiêm chủng đầy đủ vắc xin ngừa Covid-19 cho 73,65% dân số như mục tiêu đề ra. Trong thông báo ngày 9-7, Bộ Y tế Chile cho biết tính đến nay, đã có hơn 23,5 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 được sử dụng, trong đó, 471.156 người đã tiêm vắc xin một mũi duy nhất, 12.361.316 người đã tiêm ít nhất một mũi và 11.195.816 người đã được tiêm chủng đầy đủ. Hiện các nhà khoa học Chile đang nghiên cứu lợi ích của việc tiêm vắc xin mũi thứ ba để củng cố khả năng bảo vệ cho người dân.

 

Châu Âu

 

Pháp, Nga và Anh là 3 nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch Covid-19, hiện mỗi nước đã ghi nhận hơn 5 triệu ca nhiễm và hơn 111.000 ca tử vong. Các nước khác trong nhóm 10 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất gồm Italia, Tây Ban Nha, Đức, Ba Lan, Ukraine, Hà Lan và Cộng hoà Séc. 

 

Ngày 10-7, Nga đã ghi nhận thêm 752 ca tử vong, mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch, nâng tổng số ca tử vong trên cả nước lên 142.253 ca. Ngoài ra, nước này ghi nhận 25.082 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 5.758.300 ca. 

 

Theo VTV.VN