Banner

Kế hoạch làm giàu uranium kim loại của Iran: Thỏa thuận lịch sử càng thêm mong manh

Kế hoạch của Iran làm giàu uranium kim loại với độ tinh khiết lên tới 20% được đánh giá là động thái đặt thêm gánh nặng cho các cuộc đàm phán tại Vienna (Áo) về khôi phục thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và Nhóm P5+1, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Bước lùi này khiến số phận của thỏa thuận lịch sử ký kết năm 2015 càng trở nên mong manh trong bối cảnh các vòng đàm phán vẫn đang bế tắc.

 

Iran thông báo đã khởi động quá trình sản xuất uranium kim loại được làm giàu lên mức tinh khiết 20%.


Đầu tuần này, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết, Iran đã khởi động quá trình sản xuất uranium kim loại được làm giàu lên mức tinh khiết 20%. Theo IAEA, Tehran đã thông báo kế hoạch gửi các thanh uranium đã được làm giàu tới phòng thí nghiệm tại các nhà máy sản xuất nhiên liệu, với mục đích sử dụng làm nhiên liệu cho một lò phản ứng để nghiên cứu. Trong một tuyên bố trấn an dư luận vào ngày 7-7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh khẳng định, việc Tehran làm giàu uranium kim loại lên mức tinh khiết 20% chỉ dành cho các mục đích hòa bình và sử dụng cho lò phản ứng phục vụ nghiên cứu. Ông S.Khatibzadeh cũng nhấn mạnh, động thái này không mâu thuẫn với các nghĩa vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân của Iran theo thỏa thuận năm 2015 và Tehran sẵn sàng đảo ngược các bước đi một khi những biện pháp cấm vận được dỡ bỏ.

 

Thỏa thuận lịch sử năm 2015 đã hạn chế đáng kể khả năng làm giàu uranium phục vụ cho việc phát triển vũ khí hạt nhân của Iran. Đổi lại, một loạt biện pháp trừng phạt về kinh tế mà Mỹ và các nước Liên minh châu Âu (EU) từng áp đặt với quốc gia Cộng hòa Hồi giáo đã được dỡ bỏ. Tehran vẫn được phép giữ lại một phần chương trình hạt nhân vì mục đích dân sự, nhưng nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của các thanh sát viên quốc tế. Sau khi chính quyền Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đơn phương rút nước này khỏi JCPOA và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt, Iran đã nhiều lần thu hẹp cam kết của mình như tăng trữ lượng uranium làm giàu vượt ngưỡng trần 300kg, nâng mức làm giàu uranium tới độ tinh khiết vượt quá giới hạn 3,76%, khởi động các máy ly tâm tối tân để tăng cường trữ lượng uranium làm giàu...

 

Không nằm ngoài dự đoán, Mỹ và các cường quốc châu Âu đã ngay lập tức lên án quyết định mới được Iran đưa ra. Trong một tuyên bố chung, các nước Đức, Anh và Pháp yêu cầu Iran ngừng mọi hoạt động vi phạm JCPOA và quay trở lại bàn đàm phán nhằm đi đến một kết luận nhanh chóng. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nhận định, đây là bước lùi đáng tiếc đối với Iran, đặc biệt là khi xứ Cờ hoa đã thể hiện ý định chân thành và sẵn sàng quay trở lại thỏa thuận hạt nhân. Washington cũng bày tỏ lo ngại khi Tehran chọn tiếp tục không thực hiện các cam kết của mình theo thỏa thuận, đặc biệt là tiến hành các thí nghiệm có giá trị nghiên cứu vũ khí hạt nhân.

 

Trong nỗ lực khôi phục lại JCPOA, các nhà đàm phán từ Iran và Nhóm P5+1 đã tổ chức nhiều vòng đàm phán tại thủ đô Vienna của Áo kể từ tháng 4. Nhưng các cuộc đối thoại không đạt tiến triển rõ rệt trong những tuần gần đây và đã bị hoãn lại vào ngày 20-6. Thời gian cụ thể cho việc nối lại các cuộc đàm phán chưa được ấn định cụ thể.

 

Từng được ca ngợi là thành tựu quan trọng của ngoại giao quốc tế, giúp chấm dứt một trong những hồ sơ căng thẳng nhất của thế giới, số phận của thỏa thuận hạt nhân Iran sau hơn nửa thập kỷ đang trở nên hết sức mong manh và đứng trước nguy cơ “chết yểu”. Khi không bên nào chịu nhượng bộ, những động thái làm gia tăng căng thẳng chắc chắn không có lợi cho các khuôn khổ thảo luận nhằm cứu vãn thỏa thuận này.

 

Theo Hanoimoi.com.vn