Banner

(TTV) Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Sở Công thương

Chiều ngày 13/8, Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Sở Công thương về tình hình hoạt động công nghiệp, thương mại 7 tháng đầu năm, nhiệm vụ 5 tháng cuối năm 202; Định hướng nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2022 – 2025.

Các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang; Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc. 

 

 

Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Lãnh đạo một số sở, ban, ngành và các huyện, thành phố.

 

7 tháng đầu năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) ước đạt 9.200 tỷ đồng, đạt 58,5% kế hoạch năm;  Giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 85 triệu USD, bằng 62% kế hoạch năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng và doanh thu bán buôn ước đạt 14.400 tỷ đồng, bằng 53% kế hoạch. 

 

Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, một số sản phẩm công nghiệp và xuất khẩu 7 tháng đầu năm đạt thấp so với kế hoạch được giao như:  Điện sản xuất, giấy in viết, bột Barit, chè, gỗ thành phẩm, giầy dép; tiến độ triển khai một số dự án thủy điện chậm so với kế hoạch đề ra.

 

Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để ngành Công thương đạt được kế hoạch đặt ra. Theo các đại biểu, sẽ có 5 lĩnh vực tác động đến phát triển công nghiệp của tỉnh đó là giao thông, cải cách thủ tục hành chính, nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp, công tác giải phóng mặt bằng và môi trường an toàn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các đại biểu cũng đề cập đến một số vấn đề về phát triển điện lưới quốc gia; cơ chế ưu tiên cho các doanh nghiệp vận tải trong xét nghiệm Covid – 19;  phương án tiêu thụ nông sản trên địa bàn…

 

Đẩy mạnh quy hoạch, thành lập các cụm công nghiệp để thu hút nhà đầu tư; Khơi thông thủ tục đầu tư các dự án và đẩy nhanh tiến độ các Dự án Thủy điện Hùng Lợi 1,2  huyện Yên Sơn; Mở rộng nhà máy gang thép; Thực hiện Dự án dây chuyền 2 của Công ty cổ phần Giấy An Hòa. Xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ. Xây dựng các phương án để hoàn thành các mục tiêu ngành Công thương đề ra trong điều kiện dịch Covid - 19 vẫn diễn biến phức tạp. 

 

Tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đề nghị Sở Công thương cần cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của tỉnh. Tập trung các cơ chế chính sách phát triển cụm công nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho các dự án và thúc đẩy phát triển thương mại. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.  Chuẩn bị các điều kiện cho cuộc vận động “Người Tuyên Quang ưu tiên dùng nông sản Tuyên Quang” để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Tiếp tục ưu tiên tiêm vắc xin cho đội ngũ công nhân; Có cơ chế cho phép xét nghiệm test nhanh Covid -19 cho đội ngũ lái xe để đảm bảo lưu thông hàng hóa.

 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm nhấn mạnh, phát triển công nghiệp, thương mại có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sở Công Thương cần chủ động tham mưu cho tỉnh về những cơ chế chính sách để phát triển công nghiệp, thương mại tương xứng với tiềm năng. Thực hiện các giải pháp có tính đột phá để phát triển những ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh, tiếp tục quy hoạch các cụm công nghiệp, thu hút đầu tư vào địa bàn.

 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu ngành Công thương tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, các dự án đầu tư trên địa bàn, xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm. Khuyến khích phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả các dự án đầu tư trên địa bàn. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là dịch vụ công và tăng cường xúc tiến đầu tư để thu hút các tập đoàn lớn. 

 

Về thương mại, cần tập trung phát triển thương mại điện tử, thương mại thông minh, khai thác lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do quốc tế. Phát triển các trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện ích; Tiêu thụ các sản phẩm nông sản có sản lượng lớn cho người nông dân; Nắm bắt thị trường cung cầu để có định hướng cho các doanh nghiệp, cho người dân. Quản lý chặt chẽ việc bán hàng đa cấp. Đảm bảo lưu thông hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu.  

 

Thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh thiết thực, hiệu quả, gắn với nhiệm vụ của ngành, nâng cao tính nêu gương của người đứng đầu, của đảng viên. Thường trực Tỉnh ủy đặt hàng với  Giám đốc Sở Công thương về việc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công thương nỗ lực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển công nghiệp, thương mại tỉnh đã đề ra trong giai đoạn 2021 – 2025./. 

 

 An Thu – Quang Thành