Banner

(TTV) Sản phẩm nông sản Tuyên Quang phải sớm đưa lên sàn thương mại điện tử

Sáng ngày 13/8, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức họp về phương án tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp.

Dự hội nghị có lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành và các huyện, thành phố.

 

 

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản trong 7 tháng đầu năm 2021 cơ bản không bị ảnh hưởng nhiều, một số sản phẩm như chuối tiêu, chè tiêu thụ chậm hơn so với thời gian. Nguyên nhân do quá trình vận chuyển, giá cước tăng cao, một số thị trường trên thế giới tạm thời đóng cửa để phòng dịch Covid - 19. Trong những tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022, một số sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh sẽ bước vào vụ thu hoạch, có sản lượng lớn như: quả Na trên 2.300 tấn; Cam trên 95.000 tấn; Bưởi trên 30.000 tấn, trong khi mức tiêu thụ trong tỉnh mới chỉ đạt bình quân 40% tổng sản lượng. Do vậy dự báo sẽ gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

 

Để chủ động ứng phó, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của đại dịch Covid - 19 đến tình hình tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh, UBND tỉnh xây dựng 2 phương án tiêu thụ sản phẩm nông sản (một số tỉnh, thành phố phải thực hiện dãn cách xã hội và phương án phải dãn cách toàn xã hội). Theo các phương án này, mục tiêu cao nhất là tiêu thụ 100% sản lượng quả Na, Cam và Bưởi trên địa bàn. Bên cạnh việc đẩy mạnh tiêu thụ trong thị trường nội tỉnh, các điểm bán hàng OCOP cũng như mở thêm một số điểm hỗ trợ tiêu thụ tại các huyện, thành phố. Đẩy mạnh tiêu thụ thông qua các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, các tập đoàn phân phối có hệ thống siêu thị và các tỉnh, thành phố lân cận. 

 

Tại hội nghị, đại diện các ngành, các huyện, thành phố đã thảo luận về trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong khâu dự báo thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm, cũng như những biện pháp tháo gỡ khó khăn trong lưu thông để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản trong thời gian tới.

 

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 diễn biến phức tạp như hiện nay, mục tiêu lớn nhất là phải bảo vệ, duy trì và thúc đẩy sản xuất trên địa bàn.

 

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Sở Nông nghiêp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các ngành, các huyện, thành phố rà soát, nắm chắc sản lượng, thời vụ; Hướng dẫn cho nông dân, doanh nghiệp hiểu rõ về sản xuất nông nghiệp sạch, sản xuất sản phẩm nông sản có chất lượng cao. Giao Sở Công thương chủ trì với các ngành liên quan đề xuất kế hoạch tiêu thụ nông sản trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid - 19. Chủ động các phương án cung ứng, đưa hàng nông sản của tỉnh vào các siêu thị lớn; kết nối với các thương lái; kênh tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố lân cận. Đặc biệt là sản phẩm nông sản Tuyên Quang phải sớm được đưa lên sàn thương mại điện tử. 

 

Tổ chức phát động phong trào “Người Tuyên Quang ưu tiên dùng sản phẩm nông sản Tuyên Quang” nhằm kích thích tiêu thụ hàng nông sản, các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản trong nội tỉnh.  UBND các huyện, thành phố có giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo mẫu mã, an toàn vệ sinh thực phẩm. 

 

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn cho việc thu mua, vận chuyển hàng hoá. Tăng cường thông tin tuyên truyền, quảng bá về các sản phẩm nông sản của Tuyên Quang nhằm góp phần thúc đẩy tiêu thụ, tháo gỡ khó khăn cho người nông dân trong thời gian tới./.

 

Lý Vinh – Quang Thành