Banner

Công nghiệp ô tô Trung Quốc: Xe “xanh” chiếm lĩnh thị trường

08:41, 24/05/2023

Tăng trưởng ngoạn mục trong quý đầu tiên của năm 2023, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nhà xuất khẩu ô tô hàng đầu thế giới và dự kiến sẽ duy trì vị trí này trong tương lai. Nhiều chuyên gia kinh tế có chung nhận định tươi sáng về triển vọng xuất khẩu xe ô tô Trung Quốc, nhất là xe năng lượng mới, bởi nước này nằm trong tốp đầu thế giới về công nghệ xe điện, cạnh tranh về giá và đáp ứng tốt thị hiếu người tiêu dùng.

Dây chuyền sản xuất xe năng lượng mới tại một nhà máy ở tỉnh An Huy (Trung Quốc).

 

Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GAC), nước này đã xuất khẩu 1,07 triệu xe ô tô trong 3 tháng đầu năm 2023, tăng 58,3% so với cùng kỳ năm 2022; tổng giá trị kim ngạch đạt 7,67 nghìn tỷ nhân dân tệ, tăng 10,6%. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc vượt qua Đức và Nhật Bản để dẫn đầu bảng xếp hạng về xuất khẩu ô tô.

 

Xuất khẩu ô tô đang giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu ngoại thương của Trung Quốc và dự báo sẽ tăng 30% trong năm nay, lên 4 triệu chiếc. Đây là kết quả của việc thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện với nhiều ưu đãi về thuế cũng như đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng sạc điện để đưa loại phương tiện này vào sử dụng đại trà. Sự dịch chuyển này đã giúp Trung Quốc nổi lên như một cường quốc về xuất khẩu ô tô.

 

Trong quý đầu năm nay, xuất khẩu dòng xe sử dụng năng lượng mới (NEV) của nước này, bao gồm xe điện, đã tăng 93% so với cùng kỳ năm trước, lên 380.000 chiếc, chiếm gần 40% tổng lượng xuất khẩu ô tô của Trung Quốc. Bai Ming, nhà nghiên cứu tại Học viện Thương mại quốc tế và Hợp tác kinh tế Trung Quốc nhận định, các nhà sản xuất ô tô toàn cầu đang chịu áp lực từ việc giá nguyên vật liệu tăng cao. Trong bối cảnh đó, NEV do Trung Quốc sản xuất đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi công nghiệp toàn cầu bằng cách tận dụng chuỗi cung ứng và công nghiệp trong nước cũng như công nghệ phương tiện kết nối thông minh (ICV) tiên tiến.

 

Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc ngày càng tập trung vào điện khí hóa và triển khai trí tuệ nhân tạo (AI), giúp ô tô Trung Quốc có chỗ đứng ở lĩnh vực này trong bối cảnh toàn cầu đồng thuận phát triển xanh. Tập đoàn ô tô Changan Trung Quốc, cam kết phát triển NEV thông minh, đã đầu tư “không dưới 5% doanh thu bán hàng hằng năm vào nghiên cứu, phát triển và đã làm chủ hơn 600 công nghệ carbon thấp liên quan đến kết nối thông minh cũng như lái xe thông minh”.

 

Xe “xanh” hơn và thông minh hơn đã trở thành lực lượng chính của Trung Quốc trên thị trường ô tô toàn cầu. Tại thị trường châu Âu, các thương hiệu Trung Quốc, chẳng hạn như BYD và Hongqi, đã lọt vào danh sách 50 công ty ô tô bán chạy nhất trên khắp châu Âu. Shu Youxing, Tổng Giám đốc của Bộ phận hợp tác quốc tế BYD và Bộ phận bán hàng tại châu Âu cho biết, xe buýt điện thuần túy của công ty đã hiện diện tại hơn 100 thành phố lớn ở châu Âu. Còn Bỉ, Australia và Thái Lan cũng là các thị trường nhập khẩu hàng đầu xe năng lượng mới sản xuất tại Trung Quốc.

 

Bên cạnh đó, Nga là thị trường xuất khẩu ô tô số một của Bắc Kinh trong 3 tháng đầu năm nay. Xuất khẩu ô tô Trung Quốc sang Nga đã tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước, lên 140.000 chiếc. Sau khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine vào tháng 2-2022, Toyota Motor, Volkswagen và nhiều hãng xe toàn cầu khác đã đóng cửa nhà máy tại Nga và rút khỏi thị trường này, để lại chỗ trống cho các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.

 

Các sản phẩm ô tô của Trung Quốc ngày càng trở nên cạnh tranh hơn với những cải tiến không chỉ về hình thức, chất lượng, an toàn, thông minh, thân thiện với môi trường và trải nghiệm lái xe mà còn về hiệu quả về chi phí và nhận thức thương hiệu. Trong một thị trường toàn cầu có tính cạnh tranh cao, ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc nổi bật giữa bối cảnh u ám hậu đại dịch Covid-19 và nền kinh tế thế giới đang suy thoái.

 

Theo Báo Hànộimới