Banner

Để không bỏ lọt người tài

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa kết thúc đợt lấy ý kiến xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần III - năm 2021, để trình lên Hội đồng cấp Nhà nước xem xét, đề nghị Chủ tịch nước công nhận. Đáng chú ý, trong danh sách lần này đã xuất hiện không ít nghệ nhân từng gây tiếc nuối, khi không lọt danh sách đề cử đợt II-2019. Điều này cho thấy sự cởi mở, linh hoạt trong đợt xét đề nghị danh hiệu mới nhất, nhằm bảo đảm hiệu quả tôn vinh, không bỏ lọt người tài.

 

Nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết được đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân trong đợt xét tặng danh hiệu đợt III - năm 2021

(ảnh chụp trước tháng 7-2021).


Để danh hiệu không mang tính phong trào

 

Trong đợt xét tặng danh hiệu mới nhất, Hà Nội tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng nghệ nhân được đề nghị phong tặng với 71 hồ sơ cho cả hai danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú. Trong danh sách lần này, nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Tuyết (Ánh Tuyết) là cái tên thu hút sự chú ý, không chỉ nhờ tiếng vang từ tài nghệ và bề dày cống hiến, mà còn bởi từng gây tiếc nuối khi không được xem xét, đề nghị tôn vinh trong đợt xét tặng danh hiệu đợt II - năm 2019. Bà vốn được coi là “đệ nhất ẩm thực Hà thành”, người nắm giữ bí quyết nhiều món ngon tưởng đã thất truyền của Hà Nội, từng chủ trì nấu ăn phục vụ nhiều sự kiện ngoại giao cấp cao và dạy về ẩm thực cho nhiều khách nước ngoài... Bà đã được công nhận là Nghệ nhân ưu tú năm 2014, song chưa được xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân trong đợt xét tặng năm 2019, do không đủ số phiếu yêu cầu.

 

Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh cho biết, khái niệm di sản văn hóa phi vật thể, theo quan niệm cũ chủ yếu gắn với các loại hình trình diễn nghệ thuật truyền thống, như: Tuồng, chèo, ca trù, xẩm…; còn theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), khái niệm di sản văn hóa phi vật thể bao trùm nhiều lĩnh vực hơn. Chính vì vậy, nhiều nghệ nhân bị thiệt thòi do quan niệm cũ…

 

Hơn nữa, quy định về danh hiệu, bằng khen, giấy khen… cũng gây khó cho người nắm giữ di sản, bởi nhiều người cả đời chỉ cống hiến, không tham gia các cuộc thi. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền, các danh hiệu chỉ nên được coi là căn cứ bổ sung, chứ không nên là điều kiện bắt buộc, nếu không việc phong tặng danh hiệu dễ mang tính phong trào. “Có những nghệ nhân tài năng bậc thầy, là giám khảo của mọi cuộc thi, thì họ thi thế nào để có danh hiệu? Chưa kể, đâu phải lĩnh vực nào cũng tổ chức thi, liên hoan để họ tham dự”, ông Bùi Trọng Hiền nêu thực tế.

 

Chính vì những nguyên do trên, mà trong đợt xét tặng danh hiệu mới nhất này, nhiều nghệ nhân ẩm thực nổi tiếng về kinh nghiệm lâu năm, nắm giữ bí quyết nghề nghiệp của nhiều làng nghề ở Hà Nội, như: Xôi chè Phú Thượng; giò chả Ước Lễ… không tiếp tục làm hồ sơ đề nghị. Đợt xét tặng này, nghệ nhân Ánh Tuyết là nghệ nhân ẩm thực duy nhất có hồ sơ đề nghị.

 

Cần có cơ chế “đặc cách”

 

Với 71 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và 600 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú của cả nước, đợt xét tặng các danh hiệu nghệ nhân năm nay ghi nhận số lượng nghệ nhân được xét, đề nghị công nhận các danh hiệu nhiều nhất từ trước tới nay. Đây là những người có nhiều đóng góp trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, được Hội đồng chuyên ngành cấp bộ xét đề nghị các cấp phong tặng danh hiệu.

 

Theo Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Đặng Văn Bài, không nên quá câu nệ vào huy chương, giải thưởng, mà cần chú trọng vào thành tích truyền dạy, sản phẩm xuất sắc của các nghệ nhân. Việc nổi tiếng được xã hội công nhận, có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng cũng là yếu tố quan trọng để xem xét, nên cần phải có cơ chế "đặc cách".

 

Còn theo Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng, việc xét tặng cần có sự điều chỉnh, bổ sung các quy định về việc phong tặng nghệ nhân, như: Giảm yêu cầu về tỷ lệ phiếu bầu cho hợp lý (hiện phải đạt 90% thành viên Hội đồng bỏ phiếu thuận là quá cao); có thông tư hướng dẫn nghệ nhân hoàn thiện hồ sơ chi tiết hơn (chẳng hạn, Nghị định 62/2014/NÐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể cần quy định rõ thời gian thực hành di sản tính từ mốc thời gian nào). 

 

Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lê Thị Thu Hiền cho biết, Bộ vừa kết thúc đợt công khai lấy ý kiến danh sách xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần III - năm 2021, hoàn thiện hồ sơ và trình lên Hội đồng cấp Nhà nước. Trong thời gian tới, Hội đồng cấp Nhà nước sẽ tổ chức các phiên họp theo quy định để xem xét hồ sơ, đề nghị Chủ tịch nước công nhận. Dự kiến, các danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú sẽ được công bố vào cuối tháng 9-2021.

 

Theo Hanoimoi.com.vn