Banner

Chuyện không chỉ của bóng chuyền

Câu chuyện liên quan đến án kỷ luật của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đối với huấn luyện viên (HLV) Phạm Thị Kim Huệ và 3 vận động viên (VĐV) cùng của đội Ngân hàng Công thương Việt Nam, rồi sau đó chính HLV Phạm Thị Kim Huệ đề nghị Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam thu hồi lại quyết định kỷ luật... chỉ ra vấn đề của bóng chuyền Việt Nam là cần có hành lang pháp lý rõ ràng, sát thực tế để các bên liên quan bám vào đó thực hiện. Đó không chỉ là câu chuyện cần lưu tâm với bóng chuyền mà là với nhiều môn thể thao khác.

Quy chế chuyển nhượng VĐV của bóng chuyền Việt Nam cần được điều chỉnh, bổ sung

cho sát thực tế. Ảnh: Hiển Trần

 

Văn bản chưa rõ ràng

 

Cách đây 1 tháng, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (gọi tắt là Liên đoàn) ra án kỷ luật cảnh cáo với HLV Phạm Thị Kim Huệ và 3 VĐV Nguyễn Ninh Anh, Hoàng Thị Phương Anh, Nguyễn Thu Hoài (đội Ngân hàng Công thương Việt Nam) vì "đã có những hành vi làm ảnh hưởng đến các hoạt động của bóng chuyền Việt Nam". Hành vi ấy, theo lý giải của Liên đoàn, liên quan đến việc bộ tứ cô trò đã có thỏa thuận chuyển đến đội Vĩnh Phúc, đã nhận khoản tiền tỷ để thanh lý hợp đồng với đội bóng chủ quản nhưng rồi đến phút cuối lại thay đổi quyết định. Sau đó là lá đơn của đội bóng này gửi đến Liên đoàn, cho rằng Kim Huệ và các học trò làm ảnh hưởng đến quyền lợi, hình ảnh đội bóng. Đó là nguồn cơn để phía Liên đoàn ra án kỷ luật.

 

Những người nhận án kỷ luật này không chấp nhận. HLV Kim Huệ đề nghị Liên đoàn rút lại quyết định vì quyết định đó ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của cô và các học trò. Theo HLV Kim Huệ, Quy chế chuyển nhượng VĐV của Liên đoàn không có dòng nào cấm HLV, VĐV bàn chuyện chuyển nhượng với đội bóng khác dù đang còn hợp đồng với đơn vị chủ quản. Rằng họ đã nhận tiền hỗ trợ từ CLB kia nhưng khi không thanh lý được hợp đồng với CLB chủ quản thì đã trả lại toàn bộ.

 

Đến lúc ấy, người ta mới giở Quy chế chuyển nhượng VĐV của Liên đoàn được ban hành từ năm 2010. Đúng là trường hợp HLV, VĐV đang trong giai đoạn thi đấu cho đội này nhưng vẫn được đàm phán với đội khác không thuộc sự điều chỉnh của quy chế.

 

Theo Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Trí Trường, đây là lỗ hổng pháp lý trong Quy chế chuyển nhượng VĐV của bóng chuyền Việt Nam. Còn Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Trần Đức Phấn cho hay, trong thời gian tới sẽ rà soát toàn bộ đồng thời bổ sung những vấn đề cần thiết vào quy chế.

 

Bài học cho nhiều môn khác

 

Thực tế, một số môn khác đã có quy định chuyển nhượng VĐV khá chặt chẽ, chẳng hạn như môn bóng rổ. Từ những năm trước, Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam đã ra quy định, thành viên của đội bóng không được phép lôi kéo, tiếp cận VĐV, HLV của đội bóng khác trừ khi nhận được sự cho phép của lãnh đạo đội bóng chủ quản của VĐV, HLV đó. Đội bóng vi phạm sẽ bị phạt tối thiểu 20 triệu đồng, cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tối thiểu 10 triệu đồng và bị cấm tham gia giải đấu từ 1 đến 3 năm...

 

Ở trường hợp nói trên, nếu chiểu theo quy định của Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam thì phía đội bóng chuyền Vĩnh Phúc sẽ không được tiếp xúc, bàn chuyện chuyển nhượng với cô trò Kim Huệ trừ khi được đội bóng ngành Ngân hàng cho phép. Tuy nhiên, Quy chế chuyển nhượng VĐV của bóng chuyền lại không có quy định như vậy. Không kể, quy chế cũng không đưa đối tượng HLV vào diện điều chỉnh và từ đó, càng lộ rõ bất cập, sự lỗi thời của văn bản liên quan.

 

Cho nên bài học về văn bản quản lý chuyện chuyển nhượng VĐV bóng chuyền cũng là bài học cho nhiều liên đoàn thể thao khác, thậm chí cả những bộ môn chưa có liên đoàn quốc gia. Thực tế, ở nhiều môn đã xuất hiện tình trạng tiếp xúc nhằm chuyển nhượng VĐV mà không thông báo cho đơn vị chủ quản VĐV đó. Nhiều HLV tại Hà Nội, trong đó có HLV Nguyễn Như Cường (boxing nữ), kể rằng học trò của mình nhận được không ít lời mời chào “bí mật” từ đơn vị khác. Nhẽ ra, đại diện đơn vị kia phải liên hệ trước với đội bóng chủ quản, nếu nhận được sự đồng ý thì mới làm việc với VĐV.

 

Còn Trưởng bộ môn Billiards - Bi sắt Hà Nội Đặng Xuân Vui kể rằng, ở môn bi sắt cũng có nhiều vụ chuyển nhượng “âm thầm” nhưng do các bên giải quyết vấn đề với nhau bằng cái tình nên không gây “chuyện lớn”. Cũng theo ông Vui, dù môn bi sắt tại Việt Nam chưa có liên đoàn thể thao quốc gia thì cũng cần có những quy định chặt chẽ về chuyển nhượng từ phía Tổng cục Thể dục thể thao để hoạt động chuyển nhượng đi vào quy củ.

 

Thế nên, phải xem trọng câu chuyện hành lang pháp lý, trong đó có chuyện chuyển nhượng VĐV ở từng môn. Chỉ có như vậy mới hạn chế tối đa những vụ lùm xùm gây ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của thể thao Việt Nam.

 

Theo Báo Hànộimới