Banner

(TTV) Phát huy vai trò nền tảng, trụ đỡ kinh tế của ngành Nông nghiệp

Ngành Nông nghiệp cần tích cực tái cơ cấu, thay đổi tư duy từ phát triển sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, xứng đáng với vai trò là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế. Đó là yêu cầu của đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang tại buổi làm việc chiều ngày 10/9 với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 

Tham dự có các đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo một số sở, ban, ngành, lãnh đạo các huyện, thành phố và các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.

 

 

Trong 8 tháng đầu năm, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid - 19, sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh vẫn đạt mục tiêu đề ra. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 4.150 tỷ đồng, tăng 4,3% so với năm 2020. Toàn tỉnh trồng trên 12.200 ha rừng, duy trì độ che phủ của rừng trên 65%. Duy trì chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC trên 38.000 ha. Ngành Nông nghiệp đã phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân, đưa 75 sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử, xây dựng 24 chuỗi liên kết sản phẩm an toàn. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 47 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

 

Các đại biểu đã đề xuất một số vấn đề về chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, trao đổi, tháo gỡ một số vướng mắc liên quan đến vùng nguyên liệu, giống cây trồng rừng, vùng sản xuất hàng hóa và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Lãnh đạo các ngành đưa ra các giải pháp để đồng hành phát triển nông nghiệp như tạo điều kiện về vốn, ứng dụng khoa học công nghệ, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

 

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đề nghị ngành Nông nghiệp tiếp tục thực hiện hiệu quả đề án cơ cấu lại nông nghiệp. Đẩy mạnh huy động nguồn lực bằng hình thức hợp tác công tư trên nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa ba chủ thể: Người dân, Nhà nước, doanh nghiệp. Xây dựng các chuỗi sản phẩm nông nghiệp. Khai thác hiệu quả đất nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và tổ chức mô hình hợp tác xã nông nghiệp phù hợp với tình hình mới.

 

Tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm biểu dương những kết quả ngành Nông nghiệp đạt được trong thời gian qua. Đồng thời,  thẳng thắn chỉ rõ ngành chưa thực sự phát huy vai trò “nền tảng, trụ đỡ” của nền kinh tế địa phương, chưa có tính đột phá trong sản xuất, chế biến, tiêu thu nông sản. Phát triển nông nghiệp còn chậm, phần lớn nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết, thu nhập trên đơn vị canh tác còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Việc thu hút nguồn lực ở lĩnh vực này còn hạn chế. Công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu tìm kiếm những kênh tiêu thụ mới chưa được đẩy mạnh. Sản phẩm nông nghiệp của tỉnh chưa có tính cạnh tranh cao trên thị trường.

 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Để thay đổi, tạo đột phá trong ngành Nông nghiệp, điều đầu tiên phải thay đổi tư duy, từ người quản lý nông nghiệp, đến những người nông dân. Đó là tư duy chuyển sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Tuyên Quang có thế mạnh về phát triển kinh tế lâm nghiệp, vì vậy cần rà soát, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời gợi ý vấn đề thí điểm thuê Giám đốc điều hành đối với một số công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên lâm nghiệp để khai thác hiệu quả tiềm năng của lĩnh vực này.

 

Đồng chí yêu cầu ngành  Nông nghiệp cần tập trung nguồn lực cho các đột phá chiến lược, sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp và tổ chức mô hình hợp tác xã nông nghiệp phù hợp với tình hình mới. Ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học công nghệ cho sản xuất, tăng cường xúc tiến thương mại và phát triển mạnh các thương hiệu nông nghiệp. Chú trọng thu hút các nguồn lực, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Xây dựng nông thôn mới với người nông dân là chủ thể, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tập trung sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với khai thác hợp lý các loại hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, phát triển kinh tế nông thôn. Cần tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo. Coi trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên trong ngành.

 

An Thu – Lê Thắng