Banner

(TTV) Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021

Sáng ngày 4/11, Quốc hội khóa XIV tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10 với nội dung thảo luận kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021. Đồng chí Ma Thị Thuý, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang tham gia ý kiến thảo luận.

 

Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp là nội dung nhận được nhiều ý kiến thảo luận trong ngày hôm nay. Theo các đại biểu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã mang đến nhiều thành tựu cho kinh tế nước ta, song trong thực tế cho thấy, nông nghiệp công nghệ cao của nước ta còn gặp nhiều thách thức, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Số doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số doanh nghiệp cả nước, chiếm khoảng 0,01%. Tỷ trọng vốn FDI đầu tư vào nông nghiệp tại Việt Nam luôn thấp.

 

 

Về vấn đề giảm nghèo, các ý kiến cho rằng, tuy đã đạt được những kết quả nhất định, song, để giảm nghèo bền vững rất cần chú trọng công tác đào tạo nghề dài hạn. Đại biểu Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang cho rằng, chương trình này đã góp phần ổn định, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, giảm nghèo, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo một số nơi chưa thật bền vững, chưa đồng đều; chênh lệch giàu - nghèo, chênh lệch về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên; tỷ lệ nghèo tại các huyện nghèo vẫn còn trên 50%.

 

Về công tác xây dựng xã hội học tập, một số đại biểu cho rằng  lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là tình trạng thừa, thiếu giáo viên. Cơ sở vật chất trường, lớp còn thiếu, xuống cấp, nhất là khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Đại biểu cũng cho rằng việc tinh giản biên chế 10% chưa phù hợp với đặc thù của ngành Giáo dục; đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu kỹ vấn đề này và báo cáo Chính phủ để có định hướng phù hợp. 

 

Đại biểu Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách, Đoàn Đại biểu
Quốc hội tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại hội trường. 

 

Một hạn chế rất đáng quan tâm là việc quản lý sách giáo khoa và tài liệu tham khảo còn bất cập khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đại biểu kiến nghị Chính phủ và các bên liên quan có trách nhiệm trong việc bày tỏ thái độ, quan điểm đúng đắn; đứng về phía quyền lợi của người học, nhất là trẻ em. Lỗi sai về trách nhiệm phải được giải quyết, xử lý thật nghiêm minh từng khâu, từng cấp, từng bộ phận; không thể dừng lại ở việc rút kinh nghiệm.

 

Các thành viên Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội cũng đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu./.

 

Hà Trang – Nguyễn Tùng