Banner

Kích cầu điện toán đám mây, hướng tới làm chủ hạ tầng chuyển đổi số tại Việt Nam

Điện toán đám mây được đánh giá là một trong những hạ tầng quan trọng bậc nhất trong hạ tầng số, góp phần xây dựng chuyển đổi số thành công.

Nền tảng điện toán đám mây của Việt Nam sẽ thúc đẩy "Make in Vietnam", đó là những mục tiêu được các doanh nghiệp công nghệ cao quan tâm nhất tại lễ phát động chiến dịch thúc đẩy chuyển đổi số bằng nền tảng điện toán đám mây Việt Nam diễn ra cuối tuần qua.

 

Theo đó, một trong những trụ cột quan trọng của chuyển đổi số là công nghệ điện toán đám mây. Hiện tại, các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam đều đã dịch chuyển sang xu hướng này và nhu cầu khai thác điện toán đám mây cũng đang tăng trưởng mạnh.

 

Chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ giảm chi phí, tối ưu nguồn lực, linh hoạt trong từng mô hình kinh doanh.

 

Việt Nam hiện có khoảng 27 trung tâm dữ liệu do 11 doanh nghiệp trong nước đầu tư với trên 270.000 máy chủ được kết nối đến cả nước, hoàn toàn đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của các doanh nghiệp trong nước. Yếu tố vượt trội của doanh nghiệp đám mây trong nước nằm ở sự sẵn sàng của đội ngũ kỹ sư đông đảo, có khả năng đào tạo khách hàng sử dụng ứng dụng tại chỗ.

 

Theo ông Lương Tuấn Thành - Giám đốc Công nghệ, Tập đoàn CMC, khi muốn số hóa hệ thống công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu, hướng tới việc xây dựng Chính phủ số, doanh nghiệp số, thách thức lớn nhất chính là việc đầu tư vào hạ tầng.

 

Ông Lương Tuấn Thành - Giám đốc Công nghệ, Tập đoàn CMC

 

"Các tập đoàn lớn trên thế giới đều đã tập trung đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin, dữ liệu cũng như các giải pháp mới liên quan đến AI và Big Data" - ông Thành cho biết - "Tại thời điểm hiện nay, tất cả những doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn trên thế giới như Microsoft, Google, Amazon... đều là các doanh nghiệp sở hữu nền tảng điện toán đám mây lớn nhất".

 

Ông Thành nhấn mạnh, thách thức đó sẽ trở thành rào cản lớn nếu chúng ta không tập trung đầu tư. Nếu không đầu tư, chúng ta sẽ đi chậm và dữ liệu - tài sản quý giá nhất của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân - sẽ chuyển cho các đối tác nước ngoài. Đó chính là lý do vì sao đầu tư về hạ tầng điện toán đám mây sẽ là điểm cốt lõi để có thể thúc đẩy Chính phủ số cũng như doanh nghiệp số trong tương lai.

 

Theo VTV.VN