Banner

(TTV) Bộ Nội vụ kiểm tra việc sử dụng kết quả chỉ số SIPAS, PAR Index của tỉnh Tuyên Quang

Sáng ngày 26/6, Đoàn kiểm tra công tác cải cách hành chính do đồng chí Ngô Quang Phát, Phó Vụ trưởng, Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với các sở, ngành của tỉnh kiểm tra việc sử dụng kết quả Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), Chỉ số cái cách hành chính (PAR Index) năm 2017, 2018, 2019 của tỉnh Tuyên Quang.

 

 

Năm 2017, 2018 PAR Index của tỉnh Tuyên Quang xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố; năm 2019, chỉ số này của tỉnh đã tăng lên xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố. Kết quả đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Tuyên Quang có sự chuyển biến qua từng năm (năm 2019 đạt trên 85%, xếp thứ 22/63 tỉnh thành phố, tăng trên 11% và tăng 27 bậc so với năm 2017).

 

Đến nay đã có 20 sở, ban, ngành; 7 huyện, thành phố; 138/138 xã phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2, 3 và 4 (trong đó có 491 dịch vụ công mức độ 3 và 127 dịch vụ công mức độ 4); 100% các thủ tục hành chính của các cấp, các ngành được công khai thống nhất trên môi trường internet và được đưa vào tiếp nhận và trả kết quả tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả các cấp. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cơ bản được chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

 

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận về những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính của tỉnh Tuyên Quang: Việc đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân và doanh nghiệp tích cực tham gia, khai thác, sử dụng có hiệu quả dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4; Công tác thu thập thông tin đánh giá, công cụ chấm điểm, đo lường sự hài lòng của tổ chức, cá nhân trong việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước các cấp; Việc công khai kết quả giải quyết hồ sơ trên cổng dịch vụ công…

 

Kết luận buổi làm việc, Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Ngô Quang Phát ghi nhận những kết quả đạt được của tỉnh Tuyên Quang trong việc sử dụng Chỉ số SIPAS, PAR Index góp phần từng bước xây dựng nền hành chính của tỉnh hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, mong muốn các sở, ngành của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đến người dân nhiệm vụ cải cách hành chính nói chung, hai chỉ số SIPAS, PAR Index nói riêng; Có các giải pháp đồng bộ để đảm bảo ổn định, bền vững chất lượng hai chỉ số này; Nghiên cứu thành lập trung tâm hành chính công cấp tỉnh; Đề ra giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến và thực hiện liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính…

                                         

Ngọc Bích – Văn Nam