Banner

Mặt trái của thị trường mua bán tranh trực tuyến

Nhiều nghệ sĩ và cả công chúng còn ngần ngại với thị trường mỹ thuật online là tình trạng thật - giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực này đang diễn ra tràn lan.

 

Ở phóng sự “Ngồi nhà mua bán tranh” phần nào cho chúng ta thấy sự sôi động của những giao dịch mỹ thuật online và những lợi ích của loại hình này đem lại. Đó là một xu thế trong thời đại công nghệ số: mua nhanh – bán tiện. Giúp cho việc kết nối họa sĩ, nhất là họa sĩ trẻ và công chúng nhanh chóng, các giao dịch mua bán diễn ra nhanh dễ dàng. Nhưng bên cạnh những thuận lợi đó, mua bán tranh trực tuyến vẫn có những hạn chế. 

 

Xem tranh qua mạng – khó cảm nhận hết vẻ đẹp tác phẩm

 

Cái khó khi thực hiện mua bán tranh online là ngắm tác phẩm trên mạng không tạo ra nhiều cảm xúc cho người xem bằng tiếp xúc trực quan. Theo họa sĩ Nguyễn Quốc Trung, xem tranh qua điện thoại, qua màn hình giảm đi khoảng 50% giá trị thực tế. Khi nhìn trực tiếp thì có ánh sáng đập vào, sự gồ ghề của chất liệu bề mặt, màu thật sẽ khác với màu chụp ảnh nên cảm xúc khác nhau rất nhiều. Vì thế, có những tác phẩm xem thật sẽ đẹp hơn trong ảnh. Cùng chung quan điểm này, với nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến, được đối thoại với tác phẩm tại phòng triển lãm thì nhận thức được nội dung tinh thần, ý tưởng của tác giả đặt trong tác phẩm cũng như tài năng thể hiện bút pháp trên các chất liệu. Nhưng nhìn tranh qua mạng, không cảm nhận được là mình đứng trước tác phẩm bằng xương bằng thịt, bằng tất cả tinh thần của người nghệ sĩ khi thể hiện tác phẩm.

 

Cũng chính vì hạn chế đó, nên công chúng ở đây, phần đông chỉ dừng lại ở mức độ người chơi chứ chưa phải là nhà sưu tập chuyên nghiệp, họ đến với chợ tranh online phần nhiều để thỏa mãn nhu cầu trang trí cho không gian cuộc sống. Với phân khúc sản phẩm nghệ thuật giá cao, người sưu tập không thể dễ dàng chi tiền mà chưa nghiên cứu kỹ lưỡng. Một số người còn e dè hình thức giao dịch mỹ thuật online thì xem đây chỉ là kênh kết nối, sau đó họ tới xem trực tiếp tác phẩm trước khi quyết định bỏ tiền ra mua. Người chơi tranh chuyên nghiệp, giới sưu tập thực thụ thường tìm hiểu thông tin cá nhân của các họa sĩ mà họ quan tâm qua các mạng xã hội, về cá nhân, quá trình hoạt động chuyên môn, phong cách sáng tác, tìm hiểu trước về tác phẩm sau đó là tìm gặp tác giả, xem trực tiếp tác phẩm. Đây cũng là suy nghĩ của nhà sưu tập Lê Thanh Uy ở quận Cầu Giấy, Hà Nội: “Những nhóm tranh bán online thường là giá trị thấp, tranh của họa sĩ mới hoặc là để trang trí là chính, không phải là tranh để sưu tập. Giữa cái nhìn thực tế và nhìn qua mạng khác nhau rất nhiều. Những người sưu tập phải nhìn tranh thật trước khi mua thì tốt hơn. Kênh online chỉ là một phần truyền tải thông tin”.

 

Tình trạng vi phạm bản quyền

 

Một vấn đề nữa khiến nhiều nghệ sĩ và cả công chúng còn ngần ngại với thị trường mỹ thuật online là tình trạng thật - giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực này đang diễn ra tràn lan. Tình trạng chép tranh lậu bày bán tại các cửa hàng đang trở thành vấn nạn không giải quyết được của ngành mỹ thuật nay lại được cộng thêm bởi nạn chép tranh bán qua online. Nhiều tranh được họa sĩ số hóa để giới thiệu trên mạng đã bị sử dụng không xin phép để in trên nhiều sản phẩm kinh doanh khác. Cũng không ít họa sĩ sẵn sàng nói không với việc mua bán tranh online, vì quá ngán ngại nạn sao chép, đạo nhái tác phẩm. Không nằm ngoài xu hướng tham gia thị trường tranh online, dù bán được nhiều tranh hơn nhưng họa sĩ Bùi Trọng Dư, từng rơi vào tình cảnh, tranh đăng giới thiệu trên mạng chưa bán được thì đã bị sao chép: “Chính bản thân tôi, bị họ dùng vào mỹ thuật ứng dụng chẳng hạn. Lấy hình ảnh của mình để in lên sơn mài tổ chức hàng nghìn cái và mình cũng không hề biết đến khi vô tình người ta post lên facebook thì mình lại nhìn thấy sản phẩm của mình”.

 

Ảnh minh hoạ.


Kênh online giúp giải quyết được việc bán tranh cho họa sĩ có thu nhập để có kinh phí cho họa sĩ tiếp tục sáng tác. Tuy nhiên, nhiều người e ngại rằng về lâu về dài thì có thể làm hỏng thẩm mỹ của cả người vẽ tranh và người chơi tranh nếu bức tranh xấu lại được người mua có gu thẩm mỹ không tốt trả giá cao. Lẽ ra, người nghệ sĩ chỉ tập trung vào sáng tác thì nay phải lo thêm cả chuyện làm thế nào để bán được tranh. Vô hình trung họa sĩ sẽ chạy theo thứ mà họ bán được giá cao. Theo họa sĩ Bằng Lâm, nguyên Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhiều họa sĩ thấy rằng tranh của họa sĩ A hoặc B bán được thì đổ xô vào vẽ tranh phong cách đó, như vậy sẽ làm hạn chế cảm xúc, hạn chế sự đa dạng của tác giả. Lợi nhuận trước mắt là tranh khuynh hướng này đang được công chúng ưu chuộng nên đổ xô vào vẽ khuynh hướng đó, không biết rằng là trong nền nghệ thuật này phải có cách nhìn đa dạng, mỗi tác giả có phong cách riêng, con người có cách nghĩ riêng để làm phong phú nghệ thuật nước nhà.

 

Vẫn còn rất nhiều hạn chế trong hoạt động của mỹ thuật online. Bởi phần nhiều đó là những hoạt động tự phát. Phải chăng như ý kiến của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội: “Thị trường tranh online hiện nay chưa chuyên nghiệp. Các nghệ sĩ phải tự bơi là nhiều. Điều đó nhiều khi đang làm loạn thị trường. Việc đăng nhỏ lẻ những tác phẩm làm băm nhỏ sự tập trung của sáng tác cũng như là diễn ngôn tổng thể của một đợt sáng tác”. Vì thế, cần có thị trường tranh online chuyên nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của mỹ thuật nước ta.

 

Có thể thấy, bên cạnh những lợi ích thì thị trường tranh trực tuyến sau nhiều năm hoạt động đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Vậy làm thế nào để có một thị trường mỹ thuật đúng nghĩa, thúc đẩy sự phát triển hội họa của nước ta? Vấn đề này sẽ được tiếp tục đề cập ở phần 3 loạt phóng sự “Thị trường tranh trực tuyến: Có phải cứ bán được nhiều tranh là tốt?” với nhan đề: “Thị trường tranh trực tuyến: Làm sao đi được đường dài?”./.

 

Theo VOV.VN