Banner

Thế giới ghi nhận hơn 11,4 triệu ca COVID-19 bình phục

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 3/8 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu là 18.226.597 ca, trong đó có 692.420 trường hợp tử vong. Các nước cũng ghi nhận tổng cộng 11.437.647 bệnh nhân đã bình phục, số ca nguy kịch hiện là 65.796 và 6.025.229 ca đang điều trị tích cực.

 

Hơn 50% số ca bệnh ghi nhận tại Mỹ, khu vực Mỹ Latin và vùng Caribe. Đáng chú ý, số ca tử vong ở Mỹ Latin và Caribe đã tăng gấp đôi chỉ trong hơn một tháng qua. 

 

Tại Mỹ, quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19, trong 24 giờ qua đã có thêm 49.031 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 4.813.640 trường hợp, trong đó có 158.365 ca tử vong. Bang Pennsylvania thông báo chứng kiến số ca nhiễm tăng mạnh ở nhóm bệnh nhân trẻ tuổi, đặc biệt là những người từ 19-24 tuổi.

 

Các chuyên gia Nhà Trắng cảnh báo Mỹ đang ở giai đoạn mới của đợt bùng phát dịch COVID-19 với tốc độ lây lan  bất thường ở các vùng nông thôn cũng như thành phố.

 

Tiến sĩ Deborah Birx, điều phối viên của lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Nhà Trắng, khuyến cáo các thành viên của các gia đình nhiều thế hệ đang sống ở khu vực dịch bùng phát nên đeo khẩu trang ở nhà để bảo vệ những người già hoặc những người mắc bệnh nền.

 

Tại Brazil, trong 24 giờ qua nước này ghi nhận 25.800 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số bệnh nhân lên 2.733.677 trường hợp, trong khi số ca tử vong hiện đã là 94.104 người. Đệ nhất phu nhân Michelle Bolsonaro và 2 Bộ trưởng trong Chính phủ của Tổng thống Jair Bolsonaro đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Như vậy, tới nay đã có 6 Bộ trưởng trong Chính phủ Brazil nhiễm virus này, cùng với Tổng thống và phu nhân. Tổng thống Bolsonaro hiện đã bình phục.

 

Châu Á là khu vực có số ca nhiễm bệnh cao thứ 2 thế giới, với 4.449.929 trường hợp, trong đó có 99.324 ca tử vong.

 

Ấn Độ là quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất châu lục và cao thứ 3 thế giới sau Mỹ, Brazil. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận với 52.783 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 1.804.702, trong đó có 38.161 trường hợp tử vong. 

 

Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah thông báo ông đã nhập viện sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Ông Shah, trợ lý thân cận của Thủ tướng Narendra Modi và đứng đầu một bộ chủ chốt luôn đi đầu trong nỗ lực đối phó với đại dịch COVID-19 tại Ấn Độ.

 

Tại Đông Nam Á, số ca mắc COVID-19 ở Philippines và Indonesia tiếp tục tăng mạnh. Số liệu của Bộ Y tế Philippines công bố ngày 2/8 cho thấy, trong 24 giờ qua, phát hiện thêm 5.032 ca mắc bệnh, mức cao nhất kể từ khi bùng dịch, đưa tổng số ca bệnh ở nước này lên 103.185 ca. Số bệnh nhân tử vong là 2.059 người (20 người trong 24 giờ qua).

 

Chính phủ Philippines tuyên bố sẽ tái áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt hơn ở khu vực bên trong và xung quanh thủ đô Manila trong vòng 2 tuần, từ rạng sáng 4/8. Theo đó, Tổng thống Rodrigo Duterte đã thông qua quyết định đặt khu vực Metro Manila và các tỉnh lân cận như Laguna, Cavite, Rizal và Bulacan dưới quy định "Cách ly cộng đồng tăng cường sửa đổi" tới ngày 18/8 .

 

Australia ngày 2/8 đã áp đặt lệnh giới nghiêm qua đêm tại Melbourne, thành phố lớn thứ hai của nước này, và cấm người dân đi xa nhà quá 5 km, nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh tại đây với hàng trăm ca nhiễm mỗi ngày. Bang Victoria chiếm phần lớn trong số các ca nhiễm mới ở Australia, quốc gia ngày 2/8 ghi nhận thêm 671 ca nhiễm mới và 7 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 tại nước này lên gần 18.000 ca với 208 ca tử vong. 

 

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) ngày 2/8 cho biết, châu lục này đã ghi nhận tổng cộng 19.920 ca tử vong liên quan dịch COVID-19 và hơn 944.450 ca mắc bệnh này.

 

Báo cáo mới nhất của CDC châu Phi nêu rõ, số ca nhiễm mới ở châu lục này tăng 16.789 ca và số ca tử vong cũng tăng 270 ca trong ngày 2/8. Bên cạnh đó, 602.578 bệnh nhân đã được chữa khỏi. Tính theo khu vực, Nam châu Phi và khối Magheb là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hiện 34/55 quốc gia vẫn đang áp dụng đóng cửa biên giới hoàn toàn để ngăn chặn sự lây lan của virus. 

 

Nam Phi là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất châu Phi với 503.290 ca nhiễm và 8.153 ca tử vong, tiếp theo là Ai Cập, Nigeria, Ghana, Algeria, Maroc… Trong đó, Algeria và Maroc có số ca nhiễm mới đang tăng mạnh, thậm chí tăng gấp 3 lần so với thời điểm trước khi nới lỏng các biện pháp phong tỏa. 

 

WHO quan ngại về nguy cơ đại dịch kéo dài 

 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 1/8 cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể "kéo dài". Đây là nhận định được đưa ra sau cuộc họp của Ủy ban khẩn cấp của tổ chức này để đánh giá về đại dịch, 6 tháng sau khi WHO ra tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu. 

 

Tổng Giám đốc của WHO - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng các nước cần tiếp tục duy trì những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Ông nói: "Chỉ cách đây 6 tháng, khi được đề nghị về ra tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu, COVID-19 có chưa tới 100 ca mắc bệnh và không có trường hợp thiệt mạng nào ngoài Trung Quốc. Đây là cuộc khủng hoảng y tế chỉ có một lần trong thế kỷ và những tác động của nó sẽ còn được cảm nhận thấy trong những thập niên tới".

 

Theo Chinhphu.vn