Banner

Sử dụng khẩu trang tại nơi công cộng khép kín: Chủ đề “phủ kín” trên báo Pháp

Tại Pháp, người dân bắt đầu thay đổi quan điểm về tác dụng của khẩu trang để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.

 

Cụ bà 94 tuổi đeo khẩu trang phòng COVID-19 tại Pháp. (Ảnh: AP)

 

Việc sử dụng khẩu trang tại nơi công cộng khép kín là chủ đề đang tràn ngập trên các mặt báo của Pháp. Dù đây không phải vấn đề quan trọng nhất tuần nhưng lại gây sự chú ý vì nhiều người Pháp cho rằng, Chính phủ nước này phải đưa ra quy định trên từ lâu.

 

Tờ Người Paris khẳng định, việc đeo khẩu trang là một quyết định xuất phát từ lời kêu gọi của các nhân viên y tế và tính cần thiết của nó trước nguy cơ làn sóng dịch thứ hai có thể xảy ra. Tờ báo cũng đưa thông tin về sự xuất hiện trở lại của dịch COVID-19 ở một số vùng tại Pháp. 

 

"Mang khẩu trang là tự do" là khẩu hiệu mà tờ báo đưa ra. Việc mất tự do hoàn toàn có thể xảy ra nếu chuyện đeo khẩu trang không được thực hiện nghiêm túc.

 

Hiện người dân Pháp đã thay đổi quan điểm, quan tâm đến việc đeo khẩu trang hơn.
(Ảnh: AP)

 

Tờ Le Monde đã đưa ra con số đáng lo ngại rằng, từ khi mở cửa biên giới, số ca mắc COVID-19 có biểu hiện tăng nhẹ, khoảng 220 người nhiễm mỗi ngày. So với thời điểm đỉnh dịch, số ca mắc COVID-19 này là không đáng kể, nhưng nước Pháp không thể làm ngơ vì con số này hoàn toàn có thể tiếp tục tăng. Do đó, việc mở cửa biên giới tự do phải kèm theo sử dụng khẩu trang là hai vế ứng xử đối với ngành du lịch Pháp trong thời gian này.

 

Tờ Le Figaro đặt ra một vấn đề quan trọng hơn về tính pháp lý của việc dùng khẩu trang. Người không tuân thủ quy định hay chủ sở hữu của không gian công cộng sẽ bị phạt. 

 

Hiện tại, mức phạt cho mỗi cá nhân là 135 Euro, tiến tới sẽ bị từ chối quyền tiếp cận không gian công cộng như từ chối cho sử dụng tàu xe. Tuy nhiên, cần phải tiếp tục bổ sung việc xử phạt chủ sở hữu vì đã không nghiêm khắc với hành vi vi phạm quy định.

 

Cho đến nay, khi vaccine ngừa COVID-19 chưa được các nhà khoa học tìm ra, việc dùng khẩu trang là một trong những biện pháp hữu hiệu, dù chúng khiến những nhà kinh doanh mỹ phẩm khá đau đầu. Từ vài tháng nay, ở Pháp, son môi đã không còn là sản phẩm bán chạy, thay vào đó là các loại mỹ phẩm dưỡng da và trang điểm mắt. Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa, quy định này vẫn được coi là có tính quyết định để hạn chế sự trở lại của dịch COVID-19 vào mùa thu năm nay.

 

Theo VTV.VN