Banner

(TTV) Hội nghị triển khai  các chương trình mục tiêu quốc gia 

21:10, 21/04/2022
Tăng cường phân cấp, trao quyền cho các địa phương, nhất là cấp cơ sở khi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia Phạm Bình Minh, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025. 


Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới các điểm cầu trong cả nước. Tại điểm cầu Tuyên Quang có đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố.

 

 


Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh, 2 chương trình mục tiêu Quốc gia có ý nghĩa rất lớn trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của cả nước. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ban ngành định hướng, chỉ đạo xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, tổ chức triển khai, bố trí nguồn lực nhằm triển khai Chương trình hiệu quả. Các địa phương cần chủ động thực hiện, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, đảm bảo không chồng chéo, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt là đẩy mạnh việc phân cấp và đề cao tinh thần trách nhiệm cho cơ sở.

 

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2030 đặt ra mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Tỷ lệ giảm nghèo đa chiều từ 1 đến 1,5%/năm, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm. Chương trình gồm 7 dự án và 11 tiểu dự án nhằm hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, đa dạng hóa sinh kế, các mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, giáo dục. 

 

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 80% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 40% xã đat chuẩn nông thôn mới nâng cao, 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới; mỗi tỉnh có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Có 11 nội dung thành phần trong chương trình, trong đó có việc nâng cao hiệu quả quản lý và xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo kết nối nông thôn đô thị và kết nối vùng miền, tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng sản phẩm OCOP, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống người dân nông thôn bảo vệ môi trường… Tổng nguồn vốn ngân sách thực hiện chương trình là trên 196 nghìn tỷ đồng.

 

Tại Hội nghị Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương cũng báo cáo về triển khai Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021- 2025./.
                             
 

An Thu – Lưu Khiêm
    
.