Banner

(TTV) Thường trực Tỉnh ủy làm việc với ngành Ngân hàng

20:51, 25/10/2021
Ngành Ngân hàng cần thực hiện tốt vai trò là kênh cung cấp vốn trọng yếu, huyết mạch của nền kinh tế, tích cực đổi mới để tăng khả năng tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp và người dân. Đó là yêu cầu của đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang tại buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với ngành Ngân hàng vào chiều nay (25/10). 

Các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đồng chủ trì buổi làm việc. Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo một số sở, ban, ngành.

 

 

Buổi làm việc nhằm tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn để ngành Ngân hàng tiếp tục xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình hành động và các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm cụ thể, có tính khả thi cao, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.


9 tháng năm 2021, ngành Ngân hàng đã huy động trên 22.600 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng gần 21.000 tỷ đồng. Vốn tín dụng tập trung bám sát định hướng phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.


Các Ngân hàng đã thực hiện các giải pháp tín dụng về tháo gỡ khó khăn cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19. Đồng thời đẩy mạnh việc rà soát, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa các thủ tục vay vốn để tăng khả năng tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp và người dân.


Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 3,9%, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng nợ xấu, nợ khó thu hồi do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, thanh toán không dùng tiền mặt chưa cao. Việc các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh chưa nhiều.


Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về ưu tiên nguồn vốn cho các đề án, chương trình của tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; Đáp ứng nguồn vốn cho các chương trình trọng tâm của tỉnh đặc biệt là các lĩnh vực đột phá. Thực hiện yêu cầu của tỉnh về dư nợ cho vay cần cao hơn huy động vốn trên địa bàn, giảm tỷ lệ nợ xấu. Thường trực Tỉnh ủy cũng lắng nghe những kiến nghị của các ngân hàng trên địa bàn về cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh tại tỉnh ưu tiên vay vốn tín dụng tại các ngân hàng trên địa bàn; Phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin về nhu cầu vay vốn, đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân tín chấp vay vốn….


Tại buổi làm việc, Thường trực Tỉnh ủy đánh giá cao nỗ lực và những đóng góp của ngành Ngân hàng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua. Nhận định trong thời gian tới, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tỉnh sẽ có tăng trưởng nhanh về thu hút đầu tư, vì vậy nhu cầu về nguồn vốn ngân hàng là rất lớn, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các ngân hàng cần có kế hoạch để thực hiện vai trò là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển của tỉnh, tập trung dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Cần đẩy mạnh chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống ngân hàng. 


Kết luận buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm đề nghị ngành Ngân hàng làm tốt công tác nghiên cứu, phân tích tình hình kinh tế, tiền tệ trên địa bàn để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tỉnh về lĩnh vực liên quan đến tiền tệ, hoạt động ngân hàng và hoạt động ngoại hối phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Cần thực hiện việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các ngân hàng về tăng trưởng tín dụng, đẩy mạnh kết nối, hợp tác giữa ngân hàng và các doanh nghiệp, địa phương. Ngành Ngân hàng cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn vay phục vụ sản xuất kinh doanh để cho vay tối đa nguồn huy động tại địa phương.  Tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, và kiện toàn bộ máy tổ chức vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tỉnh Tuyên Quang cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ tối đa về cơ chế, chính sách và kịp thời kiến nghị với Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tạo điều kiện cho các ngân hàng và các tổ chức tín dụng trên địa bàn phát triển kinh doanh hiệu quả./.

 

 An Thu – Lê Thắng