Banner

(TTV) Yên Sơn phấn đấu là huyện điển hình, đi đầu của tỉnh về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản

Chiều ngày 21/9, các đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang; Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với Ban Thường vụ huyện ủy Yên Sơn.

Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo một số sở, ban ngành của tỉnh.

 

 

Huyện Yên Sơn được đánh giá là có lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên trên thực tế, kinh tế của huyện phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.

 

Khơi thông những điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn để huyện Yên Sơn phát triển nhanh và bền vững tương xứng với tiềm năng là nội dung quan trọng tại buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Sơn.

 

Theo báo cáo của huyện Yên Sơn, trong 8 tháng đầu năm/2021, kinh tế của huyện duy trì tăng trưởng. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 651,31 tỷ đồng. Huyện đã quy hoạch các vùng phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung; Quan tâm xây dựng thương hiệu, quảng bá, mở rộng thị trường. Hiện nay toàn huyện có 53 sản phẩm đăng ký đánh giá, xếp hạng OCOP; trong đó có 15 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Hai lĩnh vực đột phá về phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa theo hướng chuỗi giá trị được huyện tập trung thực hiện. 

 

Tuy nhiên, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh còn hạn chế. Công nghiệp, thương mại, đô thị phát triển còn chậm; Chỉ số cải cách hành chính của huyện thấp nhất trong số 7 huyện, thành phố, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư. 

 

Tại hội nghị, Thường trực Tỉnh ủy đã trao đổi thẳng thắn, tìm hiểu cụ thể về những  khó khăn, điểm nghẽn trên các lĩnh vực của huyện Yên Sơn. Câu hỏi của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đặt ra là những người đứng đầu các lĩnh vực của huyện đã thực sự quyết liệt, sâu sát và thực hiện hết trách nhiệm với người dân hay không? Hướng phát triển nào để các sản phẩm thế mạnh của Yên Sơn đạt giá trị cao hơn, các giải pháp để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, vì phải có công nghệ, phải đổi mới tư duy thì mới xây dựng các chuỗi nông sản có thương hiệu mạnh, người dân có thu nhập. Nguyên nhân của công tác cải cách hành chính, quản lý tài nguyên, môi trường còn chưa chặt chẽ,  thiếu hiệu quả. Làm thế nào để phát triển đô thị song song với phát triển thương mại, công nghiệp, dịch vụ. Các phương án cụ thể trong phòng, chống dịch Covid - 19 để ứng phó với trường hợp khẩn cấp xảy ra.

 

Lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo UBND tỉnh đã trả lời về các kiến nghị, đề xuất cụ thể của huyện trong từng lĩnh vực. Đồng thời đề xuất những giải pháp để huyện có điều kiện phát triển tốt hơn trong thời gian tới.

 

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lê Thị Kim Dung đã gợi ý một số vấn đề trong công tác xây dựng Đảng. Trong đó tập trung vào việc nâng cao năng lực, sức chiến đấu của cơ sở Đảng, nâng cao chất lượng đảng viên.

 

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn yêu cầu huyện Yên Sơn sớm triển khai các đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh. Cần đổi mới trong tư duy về lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ, từ cán bộ lãnh đạo đến các đảng viên, công chức nhà nước. Tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu huyện Yên Sơn làm tốt hơn công tác quản lý đất đai, tài nguyên, cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử. Huyện tiếp tục rà soát công tác tái định cư, trên cơ sở tuyên truyền để người dân đồng thuận thực hiện các chủ trương, chính sách của tỉnh.

 

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm một lần nữa nhắc lại, Yên Sơn là huyện có nhiều cơ hội, lợi thế cho phát triển kinh tế - xã hội với vị trí tiếp giáp xung quanh thành phố Tuyên Quang, các công trình hạ tầng trọng điểm của tỉnh đã và đang chuẩn bị đầu tư đi qua huyện sẽ mở ra cơ hội kết nối và không gian phát triển rất thuận lợi trong phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

 

Để khắc phục khó khăn, phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhanh, bền vững, đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Yên Sơn phải có quyết tâm thật cao, nỗ lực phải thật lớn, hành động phải thật quyết liệt; Xác định đúng, trúng các nhiệm vụ, có giải pháp đột phá, có lộ trình thực hiện hợp lý, chú trọng xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để huy động mọi nguồn lực đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra.

 

Huyện cần tiếp tục chuyển đổi những diện tích đất lâm nghiệp chưa hiệu quả sang trồng rừng gỗ lớn, mở rộng diện tích rừng cấp chứng chỉ FSC gắn với các nhà máy chế biến, phấn đấu trở thành trung tâm chế biến gỗ lớn của tỉnh. Đẩy mạnh các biện pháp quảng bá, giới thiệu sản phẩm của huyện, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng, mẫu mã, bao bì sản phẩm nhất là các sản phẩm OCOP, sản phẩm chất lượng cao. Xây dựng nông thôn mới cần đi vào thực chất, mục tiêu cuối cùng là vì người dân.

 

Đồng chí cũng yêu cầu, huyện Yên Sơn cần cải các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tập trung phát triển đô thị theo quy hoạch. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, dự án trọng điểm. Đặc biệt không được chủ quan, lơ là, nóng vội trong công tác phòng, chống dịch. Huyện cũng cần chấn chỉnh và nâng cao trách nhiệm công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đảm bảo trong sạch, vững mạnh toàn diện; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, gắn với nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu Cấp ủy, các cơ quan, đơn vị, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở./. 

 

An Thu – Lưu Khiêm