Banner

(TTV) Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, ngày  22/10, Quốc hội bước vào ngày làm việc thứ 3 dưới hình thức trực tuyến nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế và Thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của 2 dự thảo luật này.

 

Dự kỳ họp, tại điểm cầu Tuyên Quang có đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang; Đại biểu Ma Thị Thúy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang tham gia thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

                      

 

Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đa số các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của dự án Luật này nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng ngừa, đấu tranh xử lý vi phạm hành chính trong tình hình mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

 

Tham gia thảo luận, Đại biểu Ma Thị Thúy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đã đóng góp thêm một số nội dung vào dự thảo Luật.

 

Tiếp tục thảo luận, nhiều đại biểu đề nghị cần xem xét lại thẩm quyền xử phạt của UBND cấp xã; bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; xem xét lại mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực, trên cơ sở thực tiễn thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính… 

 

Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế.

 

Thảo luận về dự thảo luật này, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế. Một số đại biểu đề nghị cân nhắc việc mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế. Để tăng cường hơn nữa công tác quản lý và phòng ngừa rủi ro đối với các thỏa thuận quốc tế liên quan đến đầu tư, có ý kiến   đề nghị luật cần quy định cụ thể một số nội dung yêu cầu bắt buộc trong thỏa thuận quốc tế liên quan đến đầu tư. 

 

Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội cũng đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến phạm vi điều chỉnh; làm rõ hơn khái niệm thỏa thuận quốc tế; nguyên tắc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế; đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế;…

 

Ngọc Bích – Lý Dũng