Banner

Nâng tầm hệ thống thông tin cơ sở

09:30, 26/08/2022
Thời gian qua, hệ thống thiết chế thông tin cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn phát huy vai trò cầu nối cung cấp, truyền tải và phản hồi thông tin giữa người dân với Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội; góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương. Vì thế, việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thông tin cơ sở để đáp ứng yêu cầu tình hình mới là cần thiết trong bối cảnh chuyển đổi số.

 

Phát thanh viên đọc bản tin của phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Nguyễn Quang


Cầu nối chuyển tải và phản hồi thông tin

 

Cùng với cả nước, các loại hình thông tin cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội gồm có: Đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện và đài truyền thanh xã, phường, thị trấn; cổng - trang thông tin điện tử, bản tin của cơ quan, đơn vị cơ sở; điểm bưu điện - văn hóa xã; tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị cơ sở; nhà văn hóa, trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng; thư viện; hoạt động cổ động trực quan; hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên…

 

Là người thường xuyên chuyển tải các thông tin của địa phương cũng như chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thành phố Hà Nội đến với bà con trên địa bàn, Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố số 14 (phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông) Nguyễn Đức Phúc nhận thức rất rõ tầm quan trọng của hệ thống thông tin cơ sở. “Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều khu vực bị phong tỏa, hệ thống truyền thanh cơ sở liên tục tuyên truyền các văn bản, chỉ thị liên quan cũng như những hoạt động về phòng, chống dịch của phường. Qua đó, giúp người dân dễ dàng nắm bắt và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho mình, bảo vệ cộng đồng an toàn”, ông Nguyễn Đức Phúc chia sẻ.

 

Từ kinh nghiệm thực tiễn trong việc huy động sức mạnh của đoàn viên, thanh niên, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến cho rằng, hoạt động của hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội là yếu tố quan trọng giúp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị; đồng thời là cầu nối chuyển tải và phản hồi thông tin giữa chính quyền và người dân. Nhờ đó, vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác thông tin cơ sở cũng như đội ngũ những người làm công tác này ở các cấp ngày càng được khẳng định. Đặc biệt, trong bối cảnh bùng nổ thông tin với sự tham gia của các mạng xã hội, chuyển đổi số như hiện nay, công tác thông tin cơ sở ngày càng phát huy được tính thiết yếu trong nâng cao nhận thức chung và củng cố sự đồng thuận của xã hội.

 

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đinh Thị Lan Duyên đánh giá, hoạt động thông tin cơ sở trên địa bàn thành phố ngày càng phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả theo xu hướng phát triển công nghệ thông tin và truyền thông. Vì thế, các cơ quan, đơn vị, nhất là UBND cấp xã ngày càng định hình rõ hoạt động thông tin cơ sở, những yêu cầu với thông tin cơ sở trong tình hình mới.

 

Quang cảnh buổi khảo sát về tình hình thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TƯ ngày 5-9-2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về

“Đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới” trên địa bàn thành phố Hà Nội, tháng 8-2022.

 

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

 

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm dẫn đầu Đoàn khảo sát của trung ương tiến hành khảo sát về tình hình thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TƯ ngày 5-9-2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về “Đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới” trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cùng với những kết quả đạt được trong 5 năm qua, hệ thống thông tin cơ sở của thành phố cũng gặp không ít khó khăn, thách thức.

 

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương cho rằng, cơ chế phối hợp hướng dẫn, chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ đối với hệ thống thiết chế thông tin cơ sở của các cơ quan, ngành chức năng với các đơn vị, địa phương chưa đồng bộ, hiệu quả. Đồng thời, việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật và chế độ chính sách phục vụ công tác thông tin cơ sở cũng gặp khó khăn. Trong khi đó, hoạt động thông tin cơ sở còn hạn chế về nội dung thông tin, thiếu tính sinh động, hấp dẫn.

 

Để đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai yêu cầu cần tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn thành phố về tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 07-CT/TƯ. Trong đó, cần thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung thông tin theo hướng đa dạng, hấp dẫn, thuyết phục và phù hợp với trình độ, nhu cầu thông tin của người dân. Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại về viễn thông, truyền thông đa phương tiện để tổ chức công tác thông tin cơ sở sao cho hiệu quả.

 

Cho rằng việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn thành phố Hà Nội là cần thiết, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm nhấn mạnh, để việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TƯ hiệu quả, cần có thêm các cơ chế, chính sách cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thông tin cơ sở phát triển hơn nữa. “Thành phố Hà Nội cần đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung thông tin cơ sở, đa dạng hóa các hình thức thông tin; đồng thời, xây dựng hệ sinh thái các thiết chế thông tin cơ sở để hỗ trợ, bổ sung cho nhau, qua đó phát huy được vai trò, chức năng của hệ thống thông tin cơ sở tại mỗi địa phương trong tình hình mới”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm đề nghị.

 

Theo Hanoimoi.com.vn