Banner

Vì sao số ca mắc COVID-19 ở Việt Nam tăng trở lại?

08:42, 09/11/2021
Dù có tới 90 triệu liều vaccine COVID-19 được tiêm tại Việt Nam nhưng nhiều địa phương đã "đổi màu" trên bản đồ chống dịch do xuất hiện nhiều ca mắc mới trong cộng đồng.

 

Tàu điện Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) vừa đi vào hoạt động cuối tuần vừa qua. Có thể thấy sự hồ hởi, tò mò để được trải nghiệm trên đoàn tàu này của đông đảo người dân thủ đô sau 10 năm chờ đợi.

 

Cũng vì thế nhiều người đã quên mất việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Trong khi đó, mấy ngày qua, Hà Nội vẫn có trên dưới 100 người mắc COVID-19 được ghi nhận, trong đó nhiều người lây nhiễm trong cộng đồng.

 

Theo thông tin trên Cổng tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, tổng số liều vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam đã tiêm vượt mốc 90 triệu. Đến nay khoảng hơn 61 triệu người đã được tiêm mũi 1, hơn 29 triệu người đã tiêm mũi 2. Tỷ lệ tiêm 1 liều vaccine là khoảng trên 83% và tỷ lệ tiêm đủ 02 liều là khoảng gần 40% dân số từ 18 tuổi trở lên.

 

Tuy nhiên, trước những diễn biến của dịch hiện nay, nhiều địa phương đã "đổi màu" trên bản đồ chống dịch do xuất hiện nhiều ca mắc mới trong cộng đồng. Việc đánh giá đúng nguy cơ, khoanh vùng gọn và phong tỏa đúng trọng tâm được coi là giải pháp thích ứng an toàn với dịch trong giai đoạn hiện nay.

 

Trong tuần qua, số ca F0 trong cộng đồng tại nhiều tỉnh, thành phố tăng nhanh, đặc biệt là một số tỉnh miền Tây Nam Bộ, Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận. Tính theo cấp độ dịch theo quy mô xã/phường thì thời điểm này có 48,8% ở cấp độ 1 (vùng xanh); 24,2% cấp độ 2 (vùng vàng); 2,2% cấp độ 3 (vùng vàng) và có 1,3% cấp độ 4.

 

Trước đó, thời điểm mới xếp loại cấp độ dịch (giữa tháng 10), toàn quốc có 24 tỉnh/thành đủ điều kiện ở cấp độ 1, tương đương vùng xanh. Nhưng con số này hiện đã giảm, còn chưa đến 20 địa phương, thay vào đó là tăng số địa phương "vùng vàng". Thậm chí từ "vàng" chuyển sang "đỏ" như Bạc Liêu - tỉnh đầu tiên trên cả nước nâng mức dịch lên mức cao nhất - cấp độ 4 (vùng đỏ) với nguy cơ rất cao. (Từ 9/11, Bạc Liêu chuyển từ “vùng đỏ” xuống “vùng cam”).

 

Mới đây, cùng với Đắk Lắk, tỉnh An Giang cũng chuyển sang vùng cam, tương đương cấp độ 3. Tại đồng bằng sông Cửu Long, tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, cấp độ dịch tại các địa phương trong vùng có xu hướng "đổi màu" ngày càng cao. Toàn tỉnh Cà Mau không còn vùng xanh, hiện đang ở cấp độ 2 tương đương "vùng vàng". Cần Thơ vẫn ở cấp độ 2, tuy nhiên các quận, huyện đều đổi màu.

 

Ở khu vực phía Bắc, F0 trong cộng đồng cũng tăng mạnh. Các tỉnh Phú Thọ, Hà Giang, Bắc Giang, Quảng Ninh... đã phân lại cấp độ dịch nhiều nơi. Thành phố Hà Nội đang là vùng vàng. Trong đó, 57,3% số xã/phường đang là "vùng xanh", "vùng vàng" là 42,3%. Chỉ có 2 xã "vùng cam" là thị trấn Quốc Oai và xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh.


Lý giải nguyên nhân số ca mắc tăng trở lại dù tỷ lệ tiêm chủng cao, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho biết trong chương trình Vấn đề hôm nay: "Quan điểm của chúng ta hiện nay là không thể Zero F0. Nghĩa là chúng ta chấp nhận có COVID-19 ở trong cộng đồng khi chúng ta nới lỏng các hoạt động thì việc tiếp xúc giữa người với người tăng lên. Nguồn bệnh có thể là chính trong nội bộ tỉnh thành phố đó, nhưng điểm quan trọng thứ hai là người đi từ vùng dịch về".

 

"Ở đó, dịch thâm nhiễm rất sâu trong cộng đồng và những người đó nhiễm SARS-COV-2 và lây ra tạo thành những ổ dịch. Thực tế khi người tiêm vaccine rồi vẫn có khả năng nhiễm bệnh và vẫn có khả năng lây cho người khác. Người nhiễm thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng nó không nặng, không phải nhập viện và không bị tử vong" - PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

 

Nới lỏng chứ không phải buông xuôi

 

Ngày 11/10 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Trong đó, dù dịch bệnh ở các địa phương có ở cấp độ 3, tức là nguy cơ cao tương ứng với màu cam thì mới không tổ chức hoặc hạn chế, có điều kiện tổ chức hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. Hiện nay, số người được tiêm vaccine đang tăng nhanh trong cả nước, tuy nhiên số người mắc mới lại đang tăng trở lại.

 

Theo số liệu của bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị COVID-19 số 3 (TP Hồ Chí Minh), 2 tuần gần đây, số ca nhập viện tuy không tăng nhiều nhưng lại tăng số ca trở nặng. Còn theo số liệu từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, số ca mắc mới tại TP liên tục tăng; số ca nhập viện tầng 2 cũng tăng nhẹ.

 

Ghi nhận các F0 phát hiện gần đây tại khu công nghiệp đều là những trường hợp chưa tiêm đủ vaccine. Dù có triệu chứng nhẹ và không cần phải hồi sức nhưng không có nghĩa người dân được phép lơ là chủ quan. Đã có 26 vụ việc bị Công an TP xử phạt hành chính liên quan đến hành vi về phòng chống dịch bệnh.

 

TP Hồ Chí Minh vẫn duy trì dịch ở cấp độ 2. Tuy nhiên xét về tiêu chí số ca mắc mới trong cộng đồng, TP đang cấp độ 3. Ý thức và hành vi của mỗi người dân TP sẽ quyết định cấp độ an toàn duy trì trong bao lâu.

 

Trước những diễn biến dịch hiện nay, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, chiến lược ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch và điều trị hiệu quả còn giá trị: "Chúng ta can thiệp ở mức độ nào sao cho nó phù hợp trong từng giải pháp. Vấn đề xét nghiệm thì chúng ta cũng phải có những xét nghiệm phù hợp để phát hiện được dịch bệnh càng sớm càng tốt. Cách ly nếu có nhiều thì phải tổ chức cách ly tại nhà, phong tỏa càng chặt càng tốt, phải dựa trên nguy cơ, tránh hiện tượng phong tỏa lớn quá mà ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, người dân".


PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, dịch bệnh tại Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp khó lường, đặc biệt cần quan tâm tới những nơi có đang tỷ lệ tiêm chủng thấp, người già, người bệnh nền cũng chưa được tiêm chủng… Hệ thống y tế nước ta vẫn còn khó khăn, nhất là y tế cơ sở khi chúng ta không tiếp cận được người bệnh triệu chứng trở nặng và phải nhập viện, có thể tử vong.

 

"Điều rất đáng lo ngại khi quá tải hệ thống y tế, "vỡ trận" dự phòng thì sẽ "vỡ trận" điều trị. Chúng ta phải làm sao kiểm soát không cho dịch bệnh tăng quá mức. Chúng ta phải có đủ lực lượng y tế, đủ giường bệnh. Người dân vẫn phải luôn luôn cảnh giác cao độ. Chúng ta không nghĩ rằng là tiêm chủng rồi mà lơ là thực hiện 5K để rồi chúng ta nhiễm và lây cho người khác. Chúng ta nới lỏng chứ không phải buông xuôi" - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng nêu rõ.

 

Miền Bắc đang bước vào mùa Đông lạnh hơn mọi năm, đây là điều kiện cho dịch COVID-19 bùng phát cùng với cúm mùa.

 

PGS.TS Trần Đắc Phu phân tích, yếu tố lạnh là yếu tố để cho các bệnh đường hô hấp phát sinh và phát triển, trong đó có cúm và cả COVID-19. Nhưng quan trọng của các bệnh này vẫn là yếu tố lây truyền trong giao tiếp, tiếp xúc gần giữa người với người, lây qua giọt bắn và qua các dụng cụ, qua các vật dụng trong phòng kín…

 

"Chúng ta vẫn phải thực hiện các biện pháp 5K. Việc tiêm vaccine cũng là việc vô cùng quan trọng để chúng ta giải quyết các bệnh truyền nhiễm trong đó có COVID-19" - PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

 

Trong công điện sáng 8/11, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, Ủy ban nhân dân các cấp tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe... yêu cầu thực hiện nghiêm an toàn COVID-19; đẩy mạnh tuyên truyền người dân tiếp tục thực hiện 5K, không vì đã tiêm vaccine mà lơ là, chủ quan; xử lý nghiêm vi phạm về phòng, chống dịch…

 

Chung sống an toàn không có nghĩa là an toàn rồi mà chúng ta lơ là cảnh giác, nhất là khi sự biến chuyển của virus SARS-CoV-2 ngày càng phức tạp hơn. Người dân không thể chủ quan, cần thực hiện nghiêm biện pháp 5K của Bộ Y tế.

 

Theo VTV.VN