Banner

(TTV) Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống HIV/AIDS

Sáng ngày 1/12, đồng chí Hoàng Việt Phương, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết 30 năm phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam và mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS do Bộ Y tế tổ chức. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Dự và chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.

 

Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2020 là năm thứ 12 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được kiểm soát và liên tục đà giảm trên cả 3 tiêu chí, đó là: Giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong liên quan đến AIDS. Dịch HIV/AIDS ở Việt Nam đã và đang từng bước được kiểm soát, tỷ lệ nhiễm trong cộng đồng dân cư dưới mức 0,3%. Theo ước tính của các chuyên gia, chỉ tính riêng trong vòng 15 năm qua Việt Nam đã tránh cho khoảng nửa triệu người không bị nhiễm HIV và cứu được khoảng 200.000 người không bị tử vong do AIDS. Việt Nam được ghi nhận là một trong bốn quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS đứng hàng đầu thế giới.


Tại tỉnh Tuyên Quang, công tác điều trị HIV/AIDS được thực hiện từ năm 2005. Sau 15 năm triển khai, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 08 điểm điều trị ARV. 100% bệnh nhân điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế và thanh toán thuốc ARV qua BHYT. Trong đó 98% bệnh nhân điều trị ARV có kết quả tải lượng HIV đạt dưới ngưỡng ức chế. Điều trị ARV hiện nay được đánh giá là một biện pháp can thiệp hiệu quả trong dự phòng lây nhiễm HIV ra cộng đồng.


Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương các địa phương, các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng, các cá nhân, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua đã nỗ lực, đóng góp nhiều công sức vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Lãnh đạo các cấp, các ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, không được phép chủ quan, lơ là, cần tham gia tích cực, mạnh mẽ hơn nữa vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS bởi dịch có thể bùng phát trở lại. Đặc biệt, đối với ngành Y tế, cần phát huy mọi nguồn lực hiện có, kết hợp với ứng dụng tiến bộ vượt bậc của cách mạng công nghiệp 4.0, tiếp tục tăng cường, mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ khám chữa bệnh, can thiệp giảm tác hại, tư vấn xét nghiệm HIV, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS… để Việt Nam thực hiện được mục tiêu chấm dứt cơ bản dịch AIDS vào năm 2030 góp phần cùng cộng đồng quốc tế kiểm soát thành công đại dịch này.

 

Trà Mi – Tuấn Trường