Banner

Góc nhìn văn hóa: Lòng yêu nước nối vòng tay lớn

08:35, 02/11/2022
Nhiều tấm gương sáng đã khiến người Việt tự hào, cho thấy lòng yêu nước luôn chảy trong huyết quản của mỗi người dân Việt Nam, được biểu hiện bằng nước điều cụ thể.

Điểm chung của gần 100 triệu dân, với hơn 50 dân tộc anh em, sợi dây nào kết nối thế hệ hôm nay với cha ông, chỉ cần lắng lại sẽ nhận ra đó là lòng yêu nước. Trong hệ giá trị con người Việt Nam, yêu nước là nổi bật nhất. Yêu nước là tình cảm thiêng liêng, là thước đo đạo lý làm người, là sức mạnh đưa cả dân tộc đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

 

"Làm sao chúng ta có thể hạ được B52? Đó chính là sự sáng tạo. Vì tinh thần yêu nước, với văn hóa là nền tảng tinh thần nên có thể giải quyết được những vấn đề có tính thần kỳ", Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội cho biết.

 

Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ. Những ký ức oai hùng và đau thương vẫn còn đó nhưng lịch sử đã bước sang một trang mới. Trong thời bình, lòng yêu nước cũng có những biểu hiện khác. Nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế, văn hóa cho đến thể dục thể thao đều là những mặt trận nóng bỏng, đòi hỏi sự hy sinh. Nhiều tấm gương sáng đã khiến người Việt tự hào, cho thấy lòng yêu nước luôn chảy trong huyết quản của mỗi người dân Việt Nam, được biểu hiện bằng những điều cụ thể.

 

GS Võ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội

 

"Trước đây, lòng yêu nước là chúng ta phát huy tình thần bảo vệ quê hương đất nước. Nhưng thời nay, khi đã toàn cầu hóa, tình yêu nước một mặt là giữ gìn bản sắc, vẫn phải bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của tổ quốc, mặt khác là làm sao thể hiện cho cả thể giới biết chúng ta là ai. Và cao hơn nữa, điều chúng ta đang hướng tới là phải sánh vai với những cường quốc, với các nước phát triển", GS Võ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ.

 

"Vấn đề quan trọng sắp tới là mỗi người sẽ phải đem trí lực, khả năng, sức lực để đóng góp vào sự nghiệp của dân tộc, đất nước, hướng tới một vị trí xứng đáng trên thế giới" – TGS Võ Minh Giang nói tiếp – "Giáo dục đào tạo đóng vai trò quan trọng, làm sao để có những con người có học vấn, tài năng cống hiến cho đất nước. Và điều cốt lõi là biến tất cả những yếu tố người Việt Nam có thành lợi thế cạnh tranh quốc tế. Chủ nghĩa yêu nước trong thời gian tới chính là vậy".

 

"Có nhiều cách thể hiện lòng yêu nước, yêu tổ quốc, để làm sao cho đất nước ngày càng hùng cường phát triển, đó là từ từng ngày từng giờ trong mỗi công việc của chúng ta", TS. Trần Bách Hiếu – Giảng viên khoa Tôn giáo học chia sẻ thêm.

 

Để đạt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội Đảng đặt ra, hơn lúc nào hết lòng yêu nước phải được hun đúc bằng ý chí, bàn tay, khối óc và tâm huyết, thể hiện qua những hành động cụ thể của mỗi người dân, dù làm công việc gì và ở vị trí nào. Bởi lòng yêu nước nối vòng tay lớn.

 

Theo VTV.vn