Banner

OPEC+ dự kiến tăng dần sản lượng dầu: Tránh ''khủng hoảng thừa''

09:41, 03/11/2021
Các thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng các đối tác (OPEC+) dự kiến sẽ chỉ tăng dần sản lượng dầu vào tháng 12 tới sau khi ủy ban cố vấn của liên minh này không thấy có sự thay đổi lớn trong triển vọng cung - cầu. OPEC+ cho rằng, sự thận trọng này là cần thiết, vừa bảo đảm cân bằng thị trường toàn cầu, vừa có thể giúp tránh được kịch bản "khủng hoảng thừa" như đã từng xảy ra vào hồi tháng 3-2020.

 

Các nước tiêu thụ nhiều năng lượng gây sức ép để OPEC+ tăng sản lượng dầu nhiều hơn

trong bối cảnh thế giới đang khủng hoảng khí đốt.

OPEC+ đang chịu áp lực từ một số quốc gia tiêu thụ lượng dầu lớn, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ, để tăng sản lượng hơn nữa nhằm kiềm chế giá dầu đang tăng cao. Ngày 1-11, giá dầu thô Brent giao dịch ở mức gần 85 USD/thùng, bất chấp việc Trung Quốc thông báo giải phóng kho dự trữ nhiên liệu để tăng nguồn cung thị trường và hỗ trợ ổn định giá ở một số khu vực.

 

Mỹ đã đổ lỗi cho giá dầu cao hiện tại là do OPEC+ cắt giảm nguồn cung và tăng sản lượng dầu "rất chậm", đe dọa sự phục hồi kinh tế trên toàn thế giới. Trong bối cảnh thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng khí đốt, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi các nước sản xuất năng lượng lớn của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tăng cường nguồn cung để bảo đảm phục hồi kinh tế toàn cầu mạnh mẽ hơn. Tuyên bố của Tổng thống Joe Biden là một phần trong nỗ lực của Nhà Trắng nhằm gây áp lực buộc OPEC và các đồng minh tăng sản lượng dầu. Giá xăng tại Mỹ đã tăng gần 40% kể từ khi ông Joe Biden vào Nhà Trắng, làm tăng thêm nỗi lo về lạm phát.

 

Cơ quan Thông tin Năng lượng liên bang Mỹ gần đây dự báo, hóa đơn sưởi ấm cho các hộ gia đình vào mùa đông cũng sẽ tăng trong năm nay. Một báo cáo của Mỹ cũng cho thấy trung tâm dự trữ dầu thô quan trọng tại Cushing, Oklahoma (Mỹ) đã giảm nhiều nhất kể từ tháng 1. Các chính sách hạn chế về sản lượng từ cả OPEC+ và các nhà sản xuất đá phiến của Mỹ đã giữ cho sản lượng dầu toàn cầu luôn ở mức thấp hơn mức tiêu thụ kể từ tháng 6-2020. Kết quả là lượng hàng tồn kho toàn cầu giảm mạnh, điều này đã khiến giá dầu lên mức cao nhất kể từ năm 2014.

 

Theo Hãng tin Bloomberg, Ủy ban kỹ thuật hỗn hợp OPEC+ đã họp vào ngày 28-10 để chuẩn bị cho cuộc họp vào ngày 4-11 tới của các bộ trưởng liên minh. Theo đó, sản lượng tăng dự kiến của các nước thành viên OPEC+ từ nay đến hết tháng 12-2021 sẽ không quá 400.000 thùng dầu/ngày. Saudi Arabia, Kuwait và Iraq thậm chí bày tỏ rõ quan điểm từ chối yêu cầu tăng sản lượng nhanh hơn mức 400.000 thùng dầu/ngày. Trước đó, ngày 4-10, các nước OPEC+ đã thống nhất tăng thêm 400.000 thùng dầu/ngày từ ngày 4-10 đến 4-11-2021.

 

Cách tiếp cận thận trọng của OPEC+ trong việc thúc đẩy sản lượng được dựa trên các dự báo từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA). Cụ thể, IEA đã cảnh báo về những rủi ro tiếp diễn do đại dịch Covid-19 gây ra và dự báo tồn kho dầu sẽ tăng trong năm tới. Nếu đại dịch tồi tệ hơn, hoặc kinh tế thế giới đi xuống vì bất kỳ lý do gì, lượng dầu tồn kho sẽ tăng - một kịch bản OPEC+ lo ngại.       

 

Ngoài ra, giá khí đốt tự nhiên của châu Âu đã giảm sau khi Tổng thống Vladamir Putin phát tín hiệu rằng Nga sẽ gửi thêm khí đốt vào tháng tới. Cùng với đó, Iran và Liên minh châu Âu mới đây đã đồng ý khởi động lại các cuộc đàm phán về việc khôi phục hiệp định hạt nhân năm 2015, báo hiệu một triển vọng tích cực về việc Iran - một thành viên của OPEC, sẽ cung cấp dầu trở lại cho thị trường.

 

Từ thực tế trên, bất chấp áp lực thúc đẩy nguồn cung hơn nữa từ các nước tiêu thụ nhiều năng lượng, OPEC+ tiếp tục thắt chặt đáng kể sản lượng dầu mỏ cho đến khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn. OPEC+ tin rằng, kế hoạch này sẽ đi đúng hướng, tránh mắc phải những sai lầm tương tự do sản xuất quá mức xảy ra vào tháng 3-2020.

 

Theo Hanoimoi.com.vn