Banner

Mỹ đạt tiến độ tiêm chủng nhanh chóng, Pfizer/BioNTech nâng sản lượng vắc xin Covid-19

Đến 6h ngày 31-3, thế giới ghi nhận 128.761.547 ca mắc Covid-19, trong đó 2.814.383 trường hợp đã tử vong, 103.788.230 người đã bình phục. Châu Âu tiếp tục là tâm dịch của thế giới khi có tới 39.360.232 ca nhiễm bệnh.

 

Ảnh minh họa.


Châu Âu

 

Công ty dược phẩm BioNTech của Đức và đối tác Pfizer (Mỹ) sẽ tăng sản lượng vắc xin ngừa Covid-19 lên 2,5 tỷ liều đến cuối năm 2021, lần đầu tiên công bố mức doanh thu dự kiến từ vắc xin đạt gần 10 tỷ euro (tương đương khoảng 11,73 tỷ USD) trong năm nay.

 

Tại châu Âu, cơ quan thường trực về vắc xin của Đức (Stiko) khuyến nghị về việc không sử dụng vắc xin AstraZeneca cho những người dưới 60 tuổi, trừ khi có chỉ dẫn của bác sĩ. Động thái mới diễn ra trong bối cảnh giới chức y tế tại thủ đô Berlin và Brandenburg đã tạm dừng việc tiêm phòng loại vắc xin này cho những người dưới 60 tuổi.

 

Tại Tây Ban Nha, giới chức nước này đã quyết định siết chặt các quy định về sử dụng khẩu trang kể từ ngày 1-4, trong đó yêu cầu mọi người buộc phải đeo khẩu trang khi ra đường, đặc biệt là tại các nơi công cộng. Trường hợp ngoại lệ chỉ dành cho những người gặp khó khăn về hô hấp, có tiền sử y tế...

 

Trước đó, xứ "Bò tót" đã yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang, nhưng chỉ ở những nơi việc duy trì khoảng cách ngoài 2 mét không thể thực hiện được. Tây Ban Nha đang theo đuổi lộ trình tiêm phòng 70% dân số trước khi mùa hè 2021 kết thúc. Đến nay, khoảng 2,5 triệu người tại quốc gia 47 triệu dân này đã hoàn tất việc chủng ngừa.

 

Ireland dự kiến sẽ dỡ bỏ lệnh phong tỏa kéo dài 3 tháng kể từ ngày 1-4 tới. Thủ tướng nước này Micheal Martin cam kết sẽ đẩy mạnh các nỗ lực tiêm phòng vắc xin nhằm đảm bảo việc đi lại của người dân trong mùa hè. Theo kế hoạch, toàn bộ trường học trên lãnh thổ nước này sẽ mở cửa lại từ ngày 12-4. Trong khi đó, các địa điểm tham quan sẽ mở cửa trở lại, hoạt động thể thao được diễn ra kể từ cuối tháng 4. Nếu tình hình thuận lợi, Ireland sẽ cân nhắc việc mở lại các cửa hàng không thiết yếu, dịch vụ cắt tóc, bảo tàng... trong tháng 5.

 

Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận số ca nhiễm theo ngày cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Tổng số bệnh nhân Covid-19 ở nước này hiện là 3,27 triệu người. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã bổ sung một loạt biện pháp phòng dịch do số ca nhiễm mới gia tăng tại các thành phố. Trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, lệnh phong tỏa sẽ được áp đặt trong những ngày cuối tuần, các nhà hàng chỉ được phép phục vụ theo hình thức bán mang về và giao đồ ăn tại nhà. Lệnh giới nghiêm từ 21h hôm trước đến 5h hôm sau vẫn được duy trì.

 

Châu Á - châu Đại dương

 

Ấn Độ vẫn là điểm nóng về Covid-19, với 12.148.405 ca nhiễm, trong đó có 159.797 ca nhiễm mới.

 

Trong khi đó, ở nước láng giềng Pakistan, Tổng thống Arif Alvi có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 ngay sau khi được tiêm mũi vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên. Bộ trưởng Quốc phòng Pervez Khattak cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút này. Diễn biến mới xảy ra trong bối cảnh giới chức Pakistan kêu gọi người dân duy trì cảnh giác khi dịch bệnh vẫn lây lan.

 

Israel đã mở lại cửa khẩu Taba với Ai Cập và cho phép 300 người đến bán đảo Sinai để nghỉ lễ Quá Hải mỗi ngày. Đây là lần đầu tiên Israel mở lại biên giới với Ai Cập kể từ tháng 3-2020 do lo ngại Covid-19. Động thái này cũng là bước đi mới nhất của Israel nhằm đưa cuộc sống trở lại bình thường sau khi đã tiêm phòng Covid-19 cho hơn một nửa trong số khoảng 9,3 triệu công dân.

 

Tại khu vực Đông Nam Á, trong 24 giờ qua, chỉ có 3 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì Covid-19, trong đó Indonesia chiếm nhiều nhất với 173 ca.

 

Tình hình dịch bệnh ở Philippines diễn biến phức tạp với 9.296 ca nhiễm mới, nâng tổng ca bệnh lên 741.181 trường hợp. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thừa nhận tình hình lây lan căng thẳng ở nước này đã đẩy những phản ứng chống dịch "gần như về 0".

 

Tại Australia, giới chức Queensland đã bổ sung hàng chục địa điểm vào danh sách hơn 80 khu vực có nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Diễn biến dịch phức tạp khiến thủ phủ Brisbane của bang này đối mặt nguy cơ bị phong tỏa kéo dài qua lễ Phục sinh.

 

Châu Mỹ

 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, Mỹ sẽ dẫn dắt, thúc đẩy nỗ lực tiêm vắc xin ngừa Covid-19 trên toàn cầu sau khi đạt được tiến độ tiêm chủng nhanh chóng trong nước và có thể sẽ sớm dư thừa vắc xin ngừa Covid-19. Đến nay, 16% dân số nước này đã được tiêm chủng đầy đủ, trong đó tỷ lệ tiêm ở nhóm trên 65 tuổi đạt gần 50%.

 

Xứ Cờ hoa cũng đã đạt được một thỏa thuận hợp tác với các công ty Ấn Độ để sản xuất vắc xin ngừa Covid-19, với mục tiêu thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng tại các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương.

 

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng dự định chia sẻ hàng triệu liều vắc xin AstraZeneca sang hai nước láng giềng Canada, Mexico, và đã đóng góp hoặc cam kết dành 4 tỷ USD cho Cơ chế tiếp cận vắc xin toàn cầu (COVAX) để hỗ trợ tiêm chủng tại các nước đang phát triển.

 

Tỷ lệ lây nhiễm ở Mỹ duy trì ổn định trong vài tuần gần đây nhưng đang gia tăng trở lại. Theo dữ liệu mới nhất, số ca mắc mới trung bình trong 7 ngày qua tại nước này là 60.000 ca/ngày, tăng 10% so với tuần trước đó. Số ca tử vong cũng tăng 3%, lên khoảng 1.000 ca/ngày.

 

Theo Hanoimoi.com.vn