Banner

Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu: Xây dựng liên minh hùng mạnh, tự lập

Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) vừa diễn ra tại Brussels (Bỉ) đã thảo luận nhiều vấn đề gai góc cả về đối nội lẫn đối ngoại của khối. Trong đó, việc hướng tới xây dựng liên minh trở thành thực thể kinh tế hùng mạnh và có tính tự lập cao tiếp tục là mục tiêu trọng tâm trong bối cảnh dịch Covid-19 lây lan khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu vừa diễn ra tại Brussels (Bỉ)
đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng cho sự phát triển của EU.

 

Phát biểu tại họp báo sau hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định, một thị trường đơn nhất đóng vai trò rất quan trọng đối với EU khi hoạt động thương mại giữa các quốc gia thành viên chiếm khoảng 25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khối và có tới 60 triệu việc làm phụ thuộc vào những trao đổi kinh tế này.

 

Chủ tịch EC cũng nhấn mạnh, việc xây dựng một ngành công nghiệp cạnh tranh cung cấp 37 triệu việc làm ở EU và chiếm 2/3 xuất khẩu của liên minh là rất cấp thiết vào thời điểm hiện nay. Hiện EU đã xác định ba ưu tiên nhằm thực hiện mục tiêu trên, gồm: Phát huy thế mạnh trong lĩnh vực dữ liệu công nghiệp, sử dụng và giám sát phù hợp trí tuệ nhân tạo, đầu tư vào cơ sở kết nối dữ liệu thích hợp với việc mở rộng đầu tư vào công nghệ mạng 5G, 6G và kết nối cáp quang.

 

Trước những thay đổi của môi trường quốc tế, EU đang theo đuổi tầm nhìn chiến lược về tái cơ cấu nền kinh tế để trở nên độc lập hơn với các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc…, nâng cao khả năng tiếp cận mọi nguồn lực cần thiết để bảo đảm sự sung túc cho người dân, đặc biệt là về các lĩnh vực chế biến, sản xuất, y tế.

 

Việc Anh rời EU (còn gọi là Brexit) trên thực tế đã để lại "lỗ hổng" trong nhiều lĩnh vực, trong đó có ô tô, hàng không, quốc phòng... Điều đó khiến việc củng cố khả năng tự chủ về sản xuất và thương mại càng trở nên cấp thiết, nhất là trong bối cảnh các thương lượng với xứ Sương mù về một thỏa thuận thương mại thời hậu Brexit vẫn chưa đạt kết quả.

 

Đây cũng là một chủ đề quan trọng trong hội nghị lần này ở Brussels. EU vẫn bảo lưu quan điểm muốn ký kết một văn kiện thương mại mới với Anh nhưng không phải với bất kỳ giá nào.

 

Các ý kiến tại hội nghị đều khẳng định hai bên đã đạt được tiến bộ trong nhiều lĩnh vực khó khăn, nhưng những lĩnh vực chính còn nhiều vấn đề đang bị bỏ ngỏ. Việc bảo đảm một sân chơi bình đẳng, cạnh tranh công bằng là những điểm mấu chốt quan trọng và hai bên vẫn cần phải tiếp tục trao đổi để đi đến thống nhất.

 

Trong nỗ lực xác định lại các mối quan hệ thương mại để phù hợp với tình hình mới, EU thúc giục Trung Quốc đáp ứng các cam kết về hạn chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp nước này, cũng như nhấn mạnh sự cần thiết phải tái cân bằng hợp tác kinh tế song phương. EU cũng để ngỏ khả năng thu hẹp việc tiếp cận thị trường của các công ty Trung Quốc nếu quốc gia này không đồng ý gỡ bỏ rào cản với các doanh nghiệp của khối. Các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt khác vào tháng 11 tới để tiếp tục thảo luận về hợp tác kinh tế với các quốc gia châu Á.

 

Về ứng phó với dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh hơn tại châu lục, các lãnh đạo EU đều khẳng định quyết tâm theo đuổi những nỗ lực phối hợp tổng thể trong việc quản lý các biện pháp phòng, chống dịch. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, hoạt động bào chế và phân phối vắc xin ở cấp độ EU cần được đẩy mạnh và Hội đồng châu Âu sẽ theo dõi chặt chẽ tiến trình đó.

 

Hội nghị Thượng đỉnh EU lần này được tổ chức đột xuất mà không theo kế hoạch đã đặt ra. Tuy nhiên, việc đạt đồng thuận trong nhiều vấn đề quan trọng cho thấy các quốc gia thành viên EU đang ngày càng gắn kết và thống nhất về chiến lược phát triển riêng của khối nhằm ứng phó hiệu quả trước các thách thức đang nổi lên trên toàn cầu.

 

Theo Báo Hànộimới