Banner

Ấn Độ trở thành vùng dịch lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ

Với hơn 4,2 triệu ca nhiễm COVID-19, Ấn Độ đã trở thành vùng dịch lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Riêng trong ngày 6/9, đã có tới gần 92 nghìn ca mắc mới.

 

Ấn Độ đã chứng kiến tốc độ lây lan mạnh và số ca mắc mới liên tục ở mức cao kỷ lục trong thời gian gần đây. Trong hai ngày liên tiếp vừa qua, đều có thêm hơn 90 nghìn ca nhiễm COVID-19 mỗi ngày.

 

Ngày 6/9 cũng là ngày thứ sáu liên tiếp Ấn Độ ghi nhận số ca tử vong vượt 1.000 ca/ngày. Việc Ấn Độ vượt qua Brazil trở thành nước có số ca nhiễm nhiều thứ hai thế giới cũng khiến châu Á trở thành khu vực đứng đầu thế giới về tổng số ca bệnh COVID-19, với hơn 7,75 triệu ca.

 

Ấn Độ vừa bước vào giai đoạn mở cửa thứ tư, tức là cho phép hệ thống tàu được hoạt động trở lại, trước tiên là ở thủ đô và dần dần ở các thành phố khác. Mặc dù đã tiến hành mở cửa theo từng bước để có thể đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng dịch, nhưng số liệu về COVID-19 ở Ấn Độ vẫn tăng vọt.

 

Số liệu về COVID-19 tăng vọt do sự chủ quan của người dân

 

Ngày 7/9, hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô New Delhi bắt đầu hoạt động trở lại sau 5 tháng đóng băng. Số lượng hành khách sẽ phải giảm một nửa so với bình thường để đảm bảo an toàn giãn cách xã hội.

 

Mở cửa để cứu nền kinh tế - một điều dễ hiểu, nhưng mở cửa mà vẫn kiểm soát tốt COVID-19 mới là điều khó. Bài học về làn sóng COVID-19 thứ hai còn mạnh hơn đợt 1 đã thấy ở nhiều nước. Nguyên nhân đầu tiên có thể chỉ ra, đó là sự chủ quan của người dân.

 

Anh Tinku Sharma - Sinh viên Ấn Độ nói: "Số ca nhiễm COVID-19 đang tăng bởi vì mọi người không còn sợ hoặc không cẩn thận như trước nữa. Mọi người đi lại khắp nơi khá thoải mái, kể cả những người từ các tỉnh như chúng tôi".

 

Nhiều người dân thiếu nhận thức cơ bản về bệnh dịch

 

Nhiều chuyên gia cũng lý giải, đây có thể coi là giai đoạn mệt mỏi vì COVID-19, mọi người chán nản với việc "giam mình trong nhà" suốt thời gian dài. Vì thế, từ chỗ tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch, họ chuyển sang ý nghĩ "làm gì thì dịch vẫn thế". Tình trạng này được cho là phổ biến hơn ở nhóm những người trẻ tuổi.

 

Một vấn đề nữa ở Ấn Độ là khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát tốt ở các thành phố lớn như New Delhi hay Mumbai, thì tình trạng lại nghiêm trọng nhanh chóng ở các bang xa xôi, nghèo khó - nơi hệ thống y tế còn yếu kém, khó chịu nổi áp lực lớn từ đại dịch.

 

Ông K.Srinath Reddy - Chủ tịch Tổ chức y tế công cộng Ấn Độ nói: "Một số thành phố lớn, nơi dịch bệnh bùng phát nay đã kiểm soát được, nhưng các thị trấn nhỏ, các ngôi làng và nhiều vùng ở phía Đông Ấn Độ thì đại dịch đang lan như một cơn sóng".

 

Lí do thứ ba góp phần đưa số liệu về COVID-19 ở Ấn Độ tăng vọt trong những ngày qua cũng được cho là do khả năng xét nghiệm được tăng cường đáng kể. Thay vì vài trăm nghìn, nay Ấn Độ có thể thực hiện hơn 1 triệu xét nghiệm/ngày.

 

Dù Ấn Độ xét nghiệm được 1 triệu người/ngày thì mới chỉ bằng nửa số xét nghiệm ở Brazil và 1/8 của Mỹ. Vì thế, việc tăng tốc xét nghiệm (đặc biệt ở những vùng xa), cùng với việc tăng cường hỗ trợ cho hệ thống y tế vẫn là điều cấp thiết ở nước này.

 

Theo dự đoán, đồ thị COVID-19 ở Ấn Độ sẽ còn tiếp tục tăng trong vài tháng nữa, trước khi có thể làm phẳng dần.

 

Theo VTV.VN