Banner

Hơn 12,8 triệu người nhiễm COVID-19 trên toàn cầu, hơn 566 nghìn ca tử vong

Tính đến 5 giờ sáng nay, theo số liệu của Mỹ, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu là 12,8 triệu người, hơn 566 nghìn ca tử vong.

 

Nhiều bang tại Mỹ ra quy định buộc đeo khẩu trang trong bối cảnh
số ca nhiễm COVID-19 tại đây ngày càng tăng. Ảnh: Reuters

 

Mỹ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 với hơn 3,3 triệu ca mắc, hơn 137 ngàn ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Brazil và Ấn Độ. Trong ngày 10/7, Mỹ đã ghi nhận thêm 68.000 ca nhiễm, ngày thứ ba liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất từ trước đến nay. Theo báo The Times, con số này tương đương với mức tăng 84% trong 16 ngày qua. Trong khi đó, một số bang cũng ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất như Georgia, Utah, Montana, Bắc Carolina, Iowa và Ohio.

 

Thống đốc bang Texas Greg Abbott cảnh báo sẽ có thêm các biện pháp hạn chế mới do tình hình có khả năng diễn biến xấu hơn. Ông cho biết, nếu không thể khống chế dịch bệnh, bước tiếp theo sẽ là áp đặt lệnh phong tỏa. Trong khi đó, bất chấp số ca nhiễm tăng lên, Thống đốc bang Florida Ron DeSantis tuyên bố sẽ không đóng cửa lại bang này.

 

Tại Bolivia, Chủ tịch Thượng viện Monica Eva Copa ngày 10/7 cho biết bà đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Bà Monica Eva Copa khẳng định đang tuân thủ phác đồ điều trị và sẽ duy trì cách ly trong thời gian cần thiết. Bolivia hiện ghi nhận hơn 44.000 ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1.600 ca tử vong.

 

Mexico ghi nhận số ca COVID-19 trong vòng 24 giờ cao kỷ lục hôm 9/7.
Ảnh: Reuters

 

Trong khi đó, Chính phủ Venezuela thông báo kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 1 tháng. Đây là lần thứ 4 liên tiếp Venezuela gia hạn tình trạng khẩn cấp do COVID-19. Venezuela hiện ghi nhận 8.803 ca nhiễm và 83 ca tử vong do COVID-19, ít hơn nhiều so với các quốc gia láng giềng Mỹ Latin khác, trong đó có có Brazil. Tuy nhiên, số ca nhiễm tại nước này đang tăng nhanh trong thời gian gần đây.

 

Tại châu Á, Ấn Độ buộc phải áp đặt lại lệnh phong tỏa ở một số bang... khi ngày hôm qua ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 trong ngày tăng cao nhất với hơn 27 nghìn người. Cho đến nay Ấn Độ đã ghi nhận hơn 820 nghìn người mắc, trong đó có hơn 22 nghìn ca tử vong, đưa nước này thành ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Brazil. Tuy nhiên, lệnh phong tỏa lại không được áp dụng tại Thủ đô New Delhi và thành phố Mumbai, nơi đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh.

 

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Bắc Kinh,
Trung Quốc, ngày 4/7/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

 

Tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Trung Quốc đã công bố một báo cáo trong đó nói rằng tình hình dịch bệnh COVID-19 liên quan tới chợ đầu mối Tân Phát Địa ở thủ đô Bắc Kinh đã được kiểm soát hiệu quả.

 

Theo báo cáo trên, các ca lây nhiễm liên quan tới chợ Tân Phát Địa, bùng phát tại các địa điểm khác như tỉnh Hà Bắc, Liêu Ninh và Chiết Giang đều đã được kiểm soát. Báo cáo cũng chỉ rõ rằng, có tất cả 29 ổ dịch liên quan tới chợ Tân Phát Địa, trong đó có 10 địa điểm công cộng và 13 ổ dịch lây lan giữa các thành viên trong gia đình.

 

Báo cáo cho biết, các biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát mà Bắc Kinh đưa ra chống lại dịch bệnh COVID-19 đã cho thấy tính hiệu quả, đồng thời nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan giữa những người từng tiếp xúc với khu chợ về cơ bản đã được loại bỏ.

 

Trong ngày 10/7, Bắc Kinh không ghi nhận thêm ca nhiễm mới trong cộng đồng, điều này đồng nghĩa với việc thành phố không ghi nhận thêm ca lây nhiễm trong cộng đồng trong 5 ngày liên tiếp.

 

Người dân Ấn Độ đeo khẩu trang trên một chuyến xe bus tại thành phố Mumbai.
Ảnh: EPA-EFE

 

Thủ đô Tokyo của Nhật Bản đang ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt, liên tục lập các đỉnh mới, gây quan ngại về khả năng buộc phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp một lần nữa. Ngày 11/7, đã có thêm 206 ca nhiễm COVID-19 được báo cáo tại Tokyo, đánh dấu việc lần đầu tiên số ca nhiễm cao hơn 200 người diễn ra trong ba ngày liên tiếp. Trước đó, vào ngày 9/7, Tokyo ghi nhận con số kỉ lục 244 người mắc COVID-19.

 

Điểm đáng chú ý trong lần bùng phát này là tỷ lệ thanh niên đặc biệt cao, số người trong độ tuổi từ 20 đến 40 chiếm tới hơn 70%. Việc phần lớn số ca nhiễm mới trong độ tuổi thanh niên được xem là một nguyên nhân giải thích việc không có bệnh nhân nào rơi vào tình trạng nguy kịch.

 

Indonesia thông báo nước này có thêm 1.671 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 74.018 người. Số ca tử vong cũng tăng lên 3.535 trường hợp sau khi có thêm 66 người tử vong vì bệnh COVID-19. Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto đã yêu cầu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với các quân nhân, sau khi phát hiện một ổ dịch lớn tại Trường Sĩ quan Lục quân ở thành phố Bandung, tỉnh Tây Java.

 

Thái Lan cho biết nước này ghi nhận thêm 14 ca bệnh mới, mức tăng theo ngày cao nhất trong nhiều tuần qua. Tuy nhiên, tất cả đều là công dân Thái Lan trở về từ nước ngoài và hiện đang được cách ly. Hiện tổng số ca bệnh tại Thái Lan tăng lên 3.216 người và tổng số ca tử vong là 58 trường hợp. Thái Lan không có ca nhiễm mới nào trong cộng đồng trong 50 ngày liên tiếp vừa qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ hai, giới chức Thái Lan cho rằng nước này cần duy trì quan điểm cấm các chuyến bay về nước đối với toàn bộ du khách.

 

Pakistan không áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt và đã nới lỏng
nhiều biện pháp hạn chế. Ảnh: Reuters

 

Tại Philippines, Bộ Y tế ngày 11/7 cho biết số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này đã tăng lên 54.222 người sau khi có thêm 1.387 ca bệnh mới. Số ca tử vong cũng tăng thêm 12 trường hợp, nâng tổng số người chết lên 1.372 ca.

 

Tại Malaysia, giới chức cho biết nước này đã ghi nhận thêm 8 người mắc bệnh, đưa tổng số ca nhiễm lên 8.704 người. Trong số các ca bệnh mới có 4 ca "nhập khẩu", số còn lại là lây nhiễm cộng đồng. Không có ca tử vong nào được ghi nhận trong ngày, hiện tổng số người chết duy trì ở mức 121 trường hợp.

 

Tại Lào, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19 Lào ngày 11/7 cho biết tính tới 17h ngày 10/7, nước này không phát hiện trường hợp nào dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ngày không có ca nhiễm mới lên 90 ngày liên tiếp. Hiện Lào ghi nhận tổng cộng 19 ca bệnh và tất cả đều đã được chữa khỏi và xuất viện.

 

Học sinh tại một trường phổ thông ở thành phố Gwangju,
Hàn Quốc được xét nghiệm COVID-19, ngày 12/6. Ảnh: Reuters

 

Tại Australia, với 216 ca nhiễm mới, ngày 11/7 là một trong những ngày có số ca nhiễm cao nhất ở bang Victoria đông dân thứ hai của Australia. Thống đốc bang Daniel Andrews cảnh báo số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng trước khi tình hình có thể được cải thiện khi bắt đầu thực thi lệnh phong tỏa. Chính quyền bang Victoria đã quyết định phong tỏa thành phố Melbourne tuần này do lo ngại lây nhiễm trong cộng đồng có thể gây ra làn sóng lây nhiễm thứ hai. Đây cũng là bang đầu tiên ở Australia yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi ra đường. Tuy nhiên, các ban khác ở Australia đã bắt đầu nới lỏng đi lại, dù vẫn đóng cửa với Victoria.

 

Hôm nay đã bước sang ngày thứ 87, Việt Nam không phát hiện thêm ca nhiễm mới trong cộng đồng. Đến lúc này, tổng số ca nhiễm ở Việt Nam là 370 người. Trong số này hiện còn 20 người đang điều trị.

 

Theo VTV.VN