Banner

(TTV) Đoàn công tác tỉnh Tuyên Quang dâng hương tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn và Khu Di tích lịch sử Quốc gia Ngã ba Đồng Lộc

21:17, 07/07/2022
Chiều ngày 7/7, Đoàn đại biểu tỉnh Tuyên Quang do đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã tới dâng hương tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An; và Khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc, xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. 

Tham gia đoàn có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, lãnh đạo thành phố Tuyên Quang và các huyện Na Hang, Yên Sơn.

 

 

Dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ anh linh các Anh hùng liệt sỹ thanh niên xung phong, các đại biểu đã bày tỏ lòng thành kính, biết ơn, cảm phục và tri ân sâu sắc đối với các anh hùng, liệt sỹ đã kiên cường chiến đấu, anh dũng hi sinh tại Truông Bồn, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương.


Truông Bồn là một đoạn đèo dốc, độ cao gần 70m trên dãy núi Thung Nưa, nằm trên tuyến đường chiến lược 15A hay còn gọi là đường 30. Cung đường độc đạo Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, bởi là nơi kết nối các huyết mạch giao thông từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Nơi đây, chứng tích hào hùng, bất hủ ghi dấu những chiến công và sự hy sinh oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc đấu tranh vệ quốc vĩ đại. Tiêu biểu là những chiến công và sự hy sinh oanh liệt ngày 31/10/1968 của 13 chiến sĩ thanh niên xung phong, thuộc Đại đội Thanh niên xung phong 317, Đội 65, Tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An.


Hơn 50 năm trước, Truông Bồn trở thành nơi diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt giữa ý chí, tinh thần thép của những con người quả cảm với bom đạn khốc liệt của quân thù. Chiến tranh đã lùi xa nhưng chiến tích Truông Bồn vẫn mãi là biểu tượng cho tinh thần quả cảm, bất khuất, lòng yêu nước, là “Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.


Tại Khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đoàn công tác đã bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của các thế hệ cha anh đã hiến trọn tuổi thanh xuân, hy sinh vì độc lập dân tộc. 


Từ năm 1964 đến năm 1972, tuyến đường Quốc lộ 1A đi qua địa bàn Hà Tĩnh bị đánh phá và chia cắt hoàn toàn, thời điểm đó mọi thông thương từ miền Bắc vào miền Nam phải đi qua con đường 15A. Trong đó Ngã ba Đồng Lộc là một địa điểm hiểm trở trên con đường này. Nơi đây được ví như là yết hầu, là mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc lúc bấy giờ có nhiều lực lượng như: Bộ đội, Thanh niên xung phong, công nhân giao thông, công an, dân quân du kích…số người chiến đấu và phục vụ chiến đấu thời điểm đông nhất lên tới 16.000 người. 


Để giữ vững mạch máu giao thông từ Bắc vào Nam được thông suốt, hàng trăm, hàng ngàn các chiến sỹ và nhân dân đã ngã xuống. Trong đó phải kể đến sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái thnh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55. Khu Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc là địa chỉ đỏ giáo dục đạo đức truyền thống, cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau./.

 

                                                                Thái Văn