Banner

Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Thủ đô

Khắc phục những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm duy trì hoạt động của nhiều chương trình, mô hình; chủ động kết nối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Thủ đô. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Vũ Thị Hương về vấn đề này.

 

Mô hình trình diễn cây trồng giống mới năng suất, chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu - trồng nho hạ đen của

Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tại huyện Hoài Đức cho hiệu quả kinh tế cao.

 

- Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tác động không nhỏ đến lĩnh vực nông nghiệp. Vậy, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai những giải pháp nào để bảo đảm tiến độ và hiệu quả các chương trình, mô hình, thưa bà?

 

- Nhiều mô hình triển khai đúng thời điểm giãn cách xã hội nên việc hỗ trợ giống, vật tư cho các hộ tham gia mô hình khuyến nông phải tạm dừng. Không thể “ngồi chờ” vì như vậy sản xuất sẽ bị lệch thời vụ, Trung tâm đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm điều hành thông suốt từ Văn phòng Trung tâm tới các trạm, các mô hình, hộ nông dân; ủy quyền cho các trạm khuyến nông cùng lãnh đạo UBND các xã tiếp nhận giống, vật tư, cấp hỗ trợ các hộ tham gia mô hình; theo dõi sát diễn biến sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi để hướng dẫn kịp thời...

 

Điển hình như mô hình trình diễn giống lúa ở huyện Sóc Sơn bị nhiễm rầy. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ các hộ nông dân, Trung tâm đã cử cán bộ chuyên môn phối hợp với Trạm khuyến nông huyện cấp thuốc bảo vệ thực vật để các hộ kịp thời phun trừ dịch hại... Ngoài ra, các mô hình trình diễn cây trồng, giống mới có năng suất, chất lượng tốt, thích ứng biến đổi khí hậu và trồng cây ăn quả, nuôi thủy sản theo hướng VietGAP như mô hình trình diễn nho hạ đen không hạt của Trung tâm Khuyến nông tại huyện Hoài Đức, đều được cán bộ khuyến nông kịp thời tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, bảo đảm các chỉ tiêu kỹ thuật - kinh tế.

 

Mặt khác, các trạm khuyến nông phối hợp với các phòng kinh tế tham mưu UBND các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ đông năm 2021 thích ứng bối cảnh dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu; hướng dẫn chăm sóc, khẩn trương thu hoạch lúa mùa, giải phóng diện tích để trồng cây vụ đông bảo đảm tiến độ...

 

- Thời gian qua, nhiều mô hình trọng điểm của ngành Nông nghiệp Thủ đô đã gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Xin bà cho biết, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ nông dân như thế nào?

 

- Cùng với tư vấn, chuyển giao kỹ thuật mới đến nông dân, mô hình nào đến kỳ thu hoạch, chất lượng sản phẩm ra sao… cán bộ khuyến nông cơ sở đều nắm rất chắc nên việc kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đã sát thực tế.

 

Trung tâm giao nhiệm vụ cho các bộ phận chức năng tổng hợp danh sách cơ sở sản xuất có nhu cầu tiêu thụ nông sản gấp, đăng ký về Sở NN&PTNT Hà Nội, đề nghị Sở Công Thương Hà Nội kết nối tiêu thụ; đồng thời thông qua Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam trực tiếp kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ hàng trăm tấn nông sản đến kỳ thu hoạch ngay trong bối cảnh đại dịch.

 

Điển hình như Trạm khuyến nông Chương Mỹ phối hợp với các phòng, đơn vị trong khối Nông nghiệp tham gia kết nối, hỗ trợ tiêu thụ 260 tấn nhãn, 130 tấn rau, 160.000 quả trứng gà, 230.000 quả trứng chim cút, 10 tấn gà ta lai… cho nông dân; Trạm khuyến nông huyện Thường Tín phối hợp với Phòng Kinh tế huyện tổng hợp danh sách các hộ có nhu cầu tiêu thụ nông sản, danh mục sản phẩm cần tiêu thụ cùng sản lượng từng loại gửi về Sở Công Thương kết nối tiêu thụ 60 tấn nhãn, 70 tấn cá, 30 tấn vịt, 12 tấn gà,...

 

Ngoài ra, Trung tâm cũng đã đề xuất với Sở NN&PTNT đề nghị Sở Giao thông - Vận tải cấp thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh” đối với phương tiện vận chuyển, giúp chủ động, tiết kiệm chi phí trong vận chuyển nông sản, thực phẩm đi tiêu thụ...

 

- Từ nay đến cuối năm, để các mô hình trình diễn trọng tâm của đơn vị đạt hiệu quả cao, góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của ngành Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội sẽ tập trung vào nhiệm vụ nào, thưa bà?

 

- Căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế, Trung tâm tổ chức các đợt kiểm tra tiến độ thực hiện, nghiệm thu, đánh giá kết quả các mô hình. Đối với mô hình vụ đông, trung tâm thực hiện xong đấu thầu, tổ chức cấp giống để các hộ triển khai đúng thời vụ. Riêng mô hình rau VietGAP, đã hoàn thành việc cấp giống cho nông dân kịp thời canh tác vụ sớm; tiếp tục chỉ đạo các trạm khuyến nông phối hợp với phòng kinh tế của các địa phương hỗ trợ nông dân thu hoạch lúa mùa nhanh gọn, triển khai gieo trồng rau màu vụ đông đúng thời vụ...

 

Cùng với đó, tiếp tục tăng cường hợp tác với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền kịp thời về nhiệm vụ sản xuất, các mô hình, chương trình khuyến nông, thông tin thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm ổn định sản xuất, cung ứng lương thực, thực phẩm cho người tiêu dùng; triển khai các biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn kỹ thuật, tập huấn nghiệp vụ cho nông dân, chủ trang trại sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả…

 

- Trân trọng cảm ơn bà!

 

Theo Hanoimoi.com.vn