Banner

Xuất khẩu nông sản: Vượt thách thức để tăng trưởng ấn tượng

Dù đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức gây ra bởi dịch Covid-19, nhưng từ đầu năm đến nay, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam vẫn tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu nông sản đạt 44 tỷ USD trong năm 2021, ngành Nông nghiệp và các địa phương cần chủ động, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và giải quyết những vấn đề thị trường…

 

Chế biến dừa xuất khẩu tại nhà máy đóng gói Công ty Vina T&T Group, huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre). Ảnh: Phúc Hậu


Những con số ấn tượng

 

Theo Bộ NN&PTNT, 7 tháng năm 2021, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản (nông sản) cả nước đạt 28,6 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều ngành hàng có sự tăng trưởng rất đáng ghi nhận như nhóm nông sản chính (rau quả, sắn, hồ tiêu, hạt điều…) đạt 12,2 tỷ USD (tăng 15%), gỗ và sản phẩm từ gỗ 10,2 tỷ USD (tăng 54%), thủy sản 4,9 tỷ USD (tăng 12%)...

 

Lý giải về sự tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, sự chuyển dịch trong thị trường xuất khẩu đã giúp giá trị xuất khẩu nông sản Việt Nam tăng mạnh. Hiện Mỹ là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch lên tới 8,2 tỷ USD, chiếm gần 29% thị phần trong 7 tháng năm 2021. Tiếp đến là Trung Quốc, gần 5,5 tỷ USD (19,2% thị phần) và Nhật Bản 1,9 tỷ USD (gần 7% thị phần)...

 

Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương Điền Quang Hiệp, hiện nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ yếu của các doanh nghiệp chế biến gỗ, chiếm hơn 65% (tăng 81% so với cùng kỳ năm trước). Còn Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên thông tin, tuy bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả vẫn tăng mạnh, đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Với đà này, xuất khẩu rau quả năm nay sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ, dự kiến có thể đạt từ 3,6 tỷ USD đến 4 tỷ USD.

 

Khó khăn và giải pháp tháo gỡ

 

Mặc dù đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong 7 tháng năm 2021, song xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản nhận định, dịch Covid-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động giao thương, vận chuyển, hàng hóa và tác động trực tiếp đến khu vực sản xuất cũng như chế biến nông sản xuất khẩu.

 

Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức (tỉnh Tiền Giang) Trương Thị Lệ Khanh phân tích thêm: Thực hiện giãn cách xã hội, doanh nghiệp phải tăng chi phí để thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, cùng với đó chi phí vận chuyển đến các thị trường như Mỹ, châu Âu đã tăng từ 2 đến 3 lần trong năm qua và đang tiếp tục tăng mạnh. Còn theo Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, lượng rau quả đạt tiêu chuẩn xuất khẩu của Việt Nam còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu của nhiều thị trường lớn trên thế giới.

 

Nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hoàn thành mục tiêu xuất khẩu nông sản đạt 44 tỷ USD trong năm 2021, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ phù hợp với tình hình thời tiết, nhu cầu thị trường; hạn chế tối đa thiệt hại bởi dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi..., qua đó bảo đảm nguồn cung nông sản ổn định. Bộ cũng đã kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Giao thông - Vận tải có giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong vận chuyển hàng hóa cũng như cước phí lưu thông, kho bãi...; đồng thời đề nghị Bộ Tài chính, các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã nguồn vốn sản xuất, kinh doanh…

 

“Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản những tháng cuối năm, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung các giải pháp mở rộng thị trường; tháo gỡ rào cản thương mại; cung cấp thông tin về các hiệp định thương mại, thực thi chính sách, quy định của các thị trường xuất khẩu; đồng thời phối hợp chặt chẽ với tham tán thương mại của Việt Nam tại các nước để hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tới những thị trường lớn, có giá trị cao...”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết thêm. 

 

Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường thông tin thêm, Bộ NN&PTNT đang xây dựng đề án nâng cao hiệu quả thực thi cam kết về SPS (vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật) đối với các hiệp định thương mại để có căn cứ cho doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức sản xuất, chế biến sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu.

 

Góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông sản, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã duy trì tổ chức sản xuất, kinh doanh để cung ứng nông sản cho Thủ đô cũng như các địa phương lân cận, qua đó giảm áp lực để các tỉnh đẩy mạnh xuất khẩu.

 

Theo Hanoimoi.com.vn