Banner

Thị trường chứng khoán sau 20 năm: Kênh huy động vốn "huyết mạch"

Thủ tướng khẳng định vai trò quan trọng của thị trường chứng khoán, ví von đây là "phong vũ biểu", tức như dụng cụ để đo lường dự báo sức khỏe của nền kinh tế.

 

Sáng 20/7, tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã diễn ra Lễ kỷ niệm 20 năm hoạt động thị trường chứng khoán Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến tham dự và phát biểu. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng để nhìn lại những thành tựu đã đạt được và định hướng phát triển trong giai đoạn mới, nhằm đưa thị trường chứng khoán tiếp tục trở thành kênh huy động vốn huyết mạch cho nền kinh tế.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thực hiện nghi thức đánh cồng kỷ niệm 20 năm hoạt động
thị trường chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.
Ảnh: VGP.

 

Kể từ khi chỉ số VnIndex lập đỉnh đầu tiên vào năm 2001, qua 20 năm, thị trường đã liên tiếp chinh phục được những đỉnh mới. Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, đến nay toàn thị trường đã có hơn 1.600 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch với giá trị vốn hóa gần 4 triệu tỷ đồng, tương đương 65% tổng sản phẩm quốc nội GDP.

 

Số lượng và chất lượng nhà đầu tư trong và ngoài nước, cũng như hệ thống công ty chứng khoán thành viên cũng ngày càng được cải thiện, giúp chứng khoán có vai trò trọng yếu hình thành nên thị trường vốn cho nền kinh tế Việt Nam

 

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính, cho biết: "Nhiều doanh nghiệp huy động được lượng vốn lớn thông qua cổ phiếu, trái phiếu để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ cho việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính phủ. Chính phủ đã huy động được nhiều hơn, kỳ hạn ngày một dài hơn với mức lãi suất huy động liên tục giảm, năm sau giảm hơn năm trước".

 

Tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam phát triển mạnh thị trường trái phiếu Chính phủ với quy mô 20% GDP, hỗ trợ đắc lực, huy động vốn cho Nhà nước và được đánh giá là thị trường trái phiếu phát triển tốt nhất khu vực.

 

Thủ tướng khẳng định vai trò quan trọng của thị trường chứng khoán, ví von đây là "phong vũ biểu", tức như dụng cụ để đo lường dự báo sức khỏe của nền kinh tế, đồng thời chỉ đạo các bộ ngành nhiều việc cần làm ngay trong năm nay để hỗ trợ thị trường.

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói: "Trong năm nay yêu cầu các đồng chí phải ban hành đồng bộ các nghị định, hệ thống văn bản chứng khoán, luật doanh nghiệp... Yêu cầu đặt ra với hệ thống pháp luật là phải thực sự có tư duy đổi mới, có tầm nhìn trung và dài hạn, cơ hội công bằng bình đẳng cho doanh nghiệp và nhà đầu tư".

 

Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý đến bối cảnh phát triển thị trường chứng khoán trong điều kiện Việt Nam ở giai đoạn bình thường mới, đứng trước cơ hội hiếm có để tận dụng phát triển kinh tế.

 

Thủ tướng đề nghị ngành chứng khoán cần sớm vươn lên nâng hạng thị trường từ cận biện lên mới nổi, để thị trường thu hút được các luồng luân chuyển vốn đang diễn ra trong khu vực và trên thế giới do tác động của dịch bệnh.

 

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đặt nền móng cho sự phát triển của thị trường

 

Nói tới hành trình 20 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam, không thể không nhắc tới vai trò của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, đơn vị tiên phong đặt nền móng cho sự phát triển của thị trường.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
cho Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM.

 

Từ 2 doanh nghiệp đầu tiên, đến nay Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM đã có gần 379 doanh nghiệp niêm yết, với tổng giá trị vốn hoá đạt 3,28 triệu tỷ đồng, tương đương gần 54% GDP. Có 23 doanh nghiệp niêm yết có vốn hoá trên 1 tỷ USD.

 

Trong giai đoạn 2005 - 2019, Sở GDCK TP.HCM đã thực hiện 550 cuộc đấu giá cổ phần các doanh nghiệp, trong đó, gần 2/3 là chào bán cổ phần của DNNN, thu về gần 74.800 tỷ đồng. Đặc biệt giai đoạn 2016 - 2017, nhiều thương vụ bán đấu giá lớn đã được thực hiện, giúp Nhà nước thoái vốn hàng ngàn tỷ đồng.

 

Đa dạng hoá sản phẩm thu hút nhà đầu tư

 

Sở GDCK TP.HCM cũng là đơn vị đi đầu trong việc đưa ra các sản phẩm mới. Ngoài trái phiếu chính phủ, trái phiếu công ty, trái phiếu đô thị, chứng chỉ quỹ đóng…, cấu trúc sản phẩm càng hoàn thiện hơn với các sản phẩm tiên tiến như chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và chứng quyền có bảo đảm (CW). Những sản phẩm này đã góp phần tạo dựng một thị trường đa dạng, hấp dẫn đối với nhà đầu tư và tiệm cận với xu thế phát triển chung của thị trường quốc tế.

 

Ngày 6/10/2014, ETF VFMVN30 - Quỹ hoán đổi danh mục ETF nội địa đầu tiên, được niêm yết trên sàn HOSE. Vừa mang đặc điểm của một quỹ đầu tư, vừa mang đặc điểm của một cổ phiếu thông thường khi được niêm yết nên đã nhanh chóng được nhà đầu tư đón nhận, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều quỹ ETF đã được ra đời.

 

Bên cạnh sản phẩm ETF, để đa dạng hoá, tạo nhiều lựa chọn cho nhà đầu tư, tháng 6/2019, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM tiếp tục triển khai sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (CW), sau 1 năm triển khai, đã có 134 mã của 8 CTCK phát hành trên 22 mã cổ phiếu cơ sở. Tổng khối lượng giao dịch bình quân hàng ngày đạt hơn 4,3 triệu đơn vị, với giá trị giao dịch bình quân là 6,41 tỷ đồng.

 

Thời gian tới, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM sẽ tiếp tục nghiên cứu đa dạng hóa các sản phẩm mới, như ETF phức hợp, chứng quyền bảo đảm bán, nghiên cứu phân bảng các doanh nghiệp niêm yết, và các giải pháp hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thông qua thị trường vốn, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam tiệm cận hơn với các thị trường khu vực.

 

Sở Giao dịch chứng khoán - Nhân tố quan trọng của trung tâm tài chính tương lai

 

Bên cạnh vai trò là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế, thị trường chứng khoán còn được kỳ vọng sẽ là "cửa sổ" để hội nhập với thị trường quốc tế. Ngay từ năm 2002, thành phố Hồ Chí Minh đã có khát vọng biến mình trở thành trung tâm tài chính của khu vực và từng bước hội nhập toàn cầu, trong đó, phát triển chuyên nghiệp thị trường chứng khoán là một yếu tố quan trọng trong quá trình này.

 

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM nhận cờ của Bộ Tài chính vì đã có thành tích
tiêu biểu xuất sắc, dẫn đầu thi đua ngành tài chính năm 2019.

 

Cách đây 20 năm, thị trường tài chính đã được xác định là một trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố HCM, trong đó, thị trường chứng khoán - kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, cụ thể là Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã được thành lập. Cho đến nay, tỉ trọng vốn hóa của của các công ty niêm yết ở sàn trên GDP của thành phố đạt 213%, được xem là chưa cao, chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế nói chung của TP.HCM. Do vậy, nâng cao vai trò, cải thiện chất lượng để thị trường chứng khoán tiếp tục là kênh thu hút vốn đầu tư là nhiệm vụ quan trọng trong việc hình thành nên trung tâm tài chính TP.HCM của khu vực và quốc tế trong tương lai.

 

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, quá trình hình thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế là một thách thức lớn, do đó, Sở giao dịch chứng khoán TP cần tập trung bộ máy, mô hình hoạt động và phương thức quản trị, nâng cao năng lực tổ chức và vận hành thị trường, hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin, đặc biệt là hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, nâng cao tính minh bạch, chất lượng công ty niêm yết.

 

Để thị trường chứng khoán thu hút các nhà đầu tư quốc tế thì môi trường hoạt động: từ hạ tầng cứng, tức là những điều kiện từ trung tâm giao dịch cho tới kết nối giao thông, điều kiện sống… phải thực sự hấp dẫn. Hiện TP.HCM chọn khu Đông - cụ thể là Thủ Thiêm để xây dựng trung tâm tài chính là một trong những bước chuẩn bị cho quá trình này.

 

Đó là điều kiện cần còn điều kiện đủ là cơ chế đột phá, mang tầm chiến lược quốc gia chứ không phải chuyện riêng của địa phương này.

 

Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, thế giới đang chứng kiến những thay đổi lớn trong chuyển dịch chuỗi cung ứng, định hình lại dòng chảy tài chính toàn cầu. Và làm thế nào để thị trường tài chính Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng chen chân được vào dòng chảy này vẫn còn là một thách thức lớn cho các nhà hoạch định chính sách .

 

Chặng đường 20 năm đã qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, tuy nhiên vẫn còn rất non trẻ, quy mô thị trường còn nhỏ so với các nước trong khu vực, đây cũng là thách thức nhưng cũng là cơ hội để thị trường chứng khoán Việt Nam bứt tốc.

 

Theo VTV.VN