Thứ Sáu, 20/09/2024 23:20

Bỏ thi nâng hạng viên chức; sửa đổi quy định về xếp lương, kỷ luật cán bộ, công chức

28/05/2023 - 08:34 | Tin trong nước

Theo Bộ Nội vụ, việc tổ chức các kỳ thi thăng hạng hàng năm gây tốn kém kinh phí; cá biệt một số nơi xảy ra vi phạm, tiêu cực trong quá trình tổ chức thi.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

 

Nhằm tiếp tục thực hiện cải cách công vụ, đổi mới phương thức quản lý đội ngũ, cải cách thủ tục hành chính theo đúng chủ trương bảo đảm "phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm" và giảm "gánh nặng thi cử" đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong quá trình tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Nội vụ đề xuất bỏ quy định về thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức (giữ xét thăng hạng); và tiếp tục phân cấp thẩm quyền về thi nâng ngạch công chức, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

 

Đây là các nội dung nhận được sự quan tâm, đồng tình cao của đông đảo đội ngũ công chức, viên chức và của các bộ, ngành, địa phương; đồng thời cũng là nội dung có phạm vi tác động lớn, liên quan đến đổi mới về phương thức quản lý và thẩm quyền của tất cả các bộ, ngành, địa phương.

 

Lý giải về đề xuất bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP (quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức), việc tổ chức thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp thuộc thẩm quyền của các bộ quản lý chuyên ngành (đối với chức danh nghề nghiệp hạng I) và cơ quan quản lý viên chức (đối với chức danh nghề nghiệp hạng II trở xuống).

 

Quy định về tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp trong thời gian vừa qua gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, các bộ quản lý các chức danh nghề nghiệp chuyên ngành chậm ban hành các thông tư quy định về nội dung, hình thức thi và xét thăng hạng dẫn đến không kịp thời trong việc tổ chức thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, ảnh hưởng đến quyền lợi của đội ngũ viên chức.

 

Từ năm 2012 đến năm 2018, đối với khối bộ quản lý chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, chỉ có Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thi hoặc xét thăng hạng cho đội ngũ viên chức chuyên ngành; đối với khối địa phương, chủ yếu đề nghị cử viên chức tham gia các kỳ thi do các bộ quản lý chuyên ngành để tổ chức ghép thi (chỉ có thành phố Hà Nội tổ chức thi thăng hạng cho đội ngũ viên chức chuyên ngành y tế).

 

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn, điều kiện dự thi phải có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp chuyên ngành tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp. Trong khi đó, nhiều chức danh nghề nghiệp không xây dựng được chương trình bồi dưỡng, không tổ chức được các khóa bồi dưỡng nên không tổ chức được các kỳ thi thăng hạng cho viên chức chuyên ngành, đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của đội ngũ viên chức. Có những chức danh nghề nghiệp còn chưa tổ chức thi lần nào như: kiến trúc sư, thẩm kế viên, đo đạc, địa chính, đạo diễn…

 

Việc tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp chưa thật sự gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức; nội dung thi thăng hạng còn hình thức, chưa sát với vị trí việc làm và đặc thù công việc của từng chức danh nghề nghiệp dẫn tới không đạt mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ của việc thăng hạng.

 

Ngoài ra, hệ thống vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp, bản mô tả và khung năng lực vị trí việc làm của viên chức chưa được hoàn thiện đã dẫn đến thực trạng là viên chức trước và sau khi được thăng hạng không có sự thay đổi về công việc và chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Việc thăng hạng hiện nay chủ yếu để giải quyết chế độ tiền lương và thu nhập.

 

Theo Bộ Nội vụ, với số lượng viên chức rất lớn (khoảng 1,8 triệu người) hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành, nghề ở các bộ, ngành, địa phương trên phạm vi cả nước, việc tổ chức các kỳ thi thăng hạng hàng năm gây tốn kém kinh phí; cá biệt một số nơi xảy ra vi phạm, tiêu cực trong quá trình tổ chức thi.

 

Từ thực trạng quản lý và đánh giá tác động nêu trên, Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi quy định tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP theo hướng bỏ quy định hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp mà chỉ giữ hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

 

Việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp không ảnh hưởng đến quy định của Luật Viên chức 2010 do "hạng chức danh nghề nghiệp" không quy định tại Luật Viên chức mà chỉ được quy định tại các nghị định và thông tư hướng dẫn chuyên ngành (khi Chính phủ ban hành Nghị định mới về cán bộ, công chức, viên chức sẽ có đủ căn cứ pháp lý để thay thế các nghị định và thông tư có quy định về nội dung này).

 

Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang về việc tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị định về cán bộ, công chức, viên chức.

 

Sửa đổi quy định về thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức

 

Nghị định này sửa đổi, bổ sung các quy định của Chính phủ về cán bộ, công chức, viên chức, gồm: Nghị định số 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Nghị định số 138/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định 159/2020/NĐ-CP về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

 

Báo cáo cho biết, ngày 15/11/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 76/2022/QH15 quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật, đồng thời giao Chính phủ hướng dẫn quy định bảo đảm thực hiện đồng bộ, thống nhất.

 

Căn cứ nhiệm vụ được giao, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan rà soát tổng thể để sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan bảo đảm nguyên tắc thể chế hóa đầy đủ các quy định của Đảng và pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.

 

Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp trong tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý đội ngũ; cắt giảm thủ tục hành chính để giảm gánh nặng đối với đội ngũ và sửa đổi các quy định còn bất cập để giải quyết khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn.

 

Theo đó, đối với Nghị định số 112/2020/NĐ-CP, Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung đối tượng áp dụng để phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2019.

 

Sửa đổi quy định về thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức khi đã chuyển sang cơ quan, tổ chức, đơn vị mới mới phát hiện hành vi vi phạm tại nơi công tác cũ để giải quyết khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn.

 

Đồng thời sửa đổi quy trình, thủ tục xử lý kỷ luật, cải cách thủ tục hành chính theo hướng trường hợp hết thời hiệu thì không phải tổ chức họp kiểm điểm; cơ quan tham mưu về công tác cán bộ báo cáo cấp có thẩm quyền về việc không xem xét xử lý kỷ luật do đã hết thời hiệu.

 

Bổ sung quy định không tổ chức họp kiểm điểm đối với trường hợp đã chuyển công tác; không tổ chức họp kiểm điểm và không phải thành lập Hội đồng kỷ luật trong trường hợp đã có quyết định xử lý kỷ luật đảng.

 

Dự thảo Nghị định bổ sung quy định về đương nhiên tạm đình chỉ chức vụ, tạm đình chỉ công tác trong trường hợp cán bộ, công chức, viên chức bị tạm giữ, tạm giam.

 

Bỏ thi thăng hạng viên chức; sửa đổi nguyên tắc xếp lương

 

Đối với Nghị định số 115/2020/NĐ-CP và Nghị định số 138/2020/NĐ-CP, Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung quy định về tuyển dụng công chức, viên chức để cắt giảm thủ tục hành chính, giải quyết khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn.

 

Cụ thể, cho phép thí sinh tham dự đăng ký 2 nguyện vọng ở 2 vị trí việc làm trong cùng một kỳ thi trong trường hợp 2 vị trí việc làm đó có cùng yêu cầu về tiêu chuẩn, điều kiện tuyển dụng và trong cùng 1 Hội đồng thi, đồng thời sửa đổi các quy định tương ứng về thông báo tuyển dụng, trình tự, thủ tục tổ chức tuyển dụng.

 

Quy định bắt buộc tổ chức thi trên máy vi tính đối với kiểm tra kiến thức, năng lực chung; bỏ môn thi tin học; đối với các vị trí việc làm không yêu cầu ngoại ngữ thì không phải tổ chức thi ngoại ngữ; bổ sung quy định miễn thi ngoại ngữ trong trường hợp có chứng chỉ ngoại ngữ được cơ quan có thẩm quyền quy định có giá trị tương đương với trình độ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển.

 

Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng bổ sung quy định cho phép tuyển dụng đối với người có kết quả (đạt trên 50% tổng số điểm) thấp hơn liền kề so với kết quả tuyển dụng của người trúng tuyển cuối cùng trong danh sách nếu phát sinh nhu cầu tuyển dụng trong cùng năm tuyển dụng với vị trí việc làm tương ứng.

 

Sửa đổi quy định về tiếp nhận công chức, viên chức; nguyên tắc xếp lương đối với người được tuyển dụng, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức; điều kiện miễn tập sự.

 

Việc sửa nghị định lần này cho phép ủy quyền thực hiện tuyển dụng trong trường hợp số lượng thí sinh đăng ký tuyển dụng không phù hợp với việc thành lập riêng 1 Hội đồng tuyển dụng.

 

Đáng chú ý, dự thảo Nghị định sửa đổi quy định về thi nâng ngạch công chức, thăng hạng và chuyển đổi chức danh nghề nghiệp viên chức để cải cách thủ tục hành chính, giảm gánh nặng cho đội ngũ công chức, viên chức.

 

Cụ thể, quy định bắt buộc tổ chức thi trắc nghiệm kiến thức chung trên máy vi tính, đồng thời bỏ thi môn tin học.

 

Đối với môn ngoại ngữ, nếu không có sự thay đổi về trình độ ngoại ngữ theo yêu cầu của ngạch đang giữ với ngạch dự thi thì không phải tổ chức thi.

 

Đồng thời, bổ sung quy định miễn thi ngoại ngữ trong trường hợp có chứng chỉ ngoại ngữ còn trong thời hạn được cơ quan có thẩm quyền quy định giá trị tương đương với yêu cầu của ngạch dự thi; mở rộng hình thức thi viết theo một trong hai phương thức viết tự luận hoặc trắc nghiệm.

 

Đối với viên chức, Bộ Nội vụ đề xuất bỏ hình thức thi thăng hạng. Viên chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện của hạng cao hơn liền kề sẽ được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

 

Dự thảo Nghị định cũng sửa đổi quy định để tăng cường phân cấp trong tổ chức tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức, viên chức.

 

Đối với công chức, phân cấp cho cơ quan quản lý công chức căn cứ vào danh mục vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức đã được phê duyệt chủ trì hoặc phân cấp, ủy quyền tổ chức thi nâng ngạch từ chuyên viên hoặc tương đương lên chuyên viên chính hoặc tương đương mà không cần có ý kiến của Bộ Nội vụ (hoặc Ban Tổ chức Trung ương) về đề án.

 

Còn đối với viên chức, cơ quan quản lý viên chức chủ trì xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng I và bổ nhiệm, xếp lương viên chức loại A3 mà không cần phải có ý kiến của Bộ Nội vụ.

 

Việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng II và hạng III được giao cơ quan được phân cấp thẩm quyền tuyển dụng thực hiện để phù hợp với việc bỏ quy định về thi thăng hạng, đồng thời đẩy mạnh chủ trương phân cấp.

 

Bên cạnh đó, bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong việc chủ trì, cung cấp miễn phí phần mềm dùng chung và ngân hàng câu hỏi, đáp án thi môn kiến thức chung, ngoại ngữ và môn chuyên môn nghiệp vụ hành chính cho các kỳ thi nâng ngạch công chức.

 

Ngoài ra, dự thảo lần này bổ sung quy định về thời hạn giao phụ trách, giao quyền không quá 12 tháng để tránh tình trạng lợi dụng quy định để giao quyền, giao phụ trách đối với các trường hợp không đủ tuổi bổ nhiệm, đồng thời quy định chuyển tiếp trong quá trình thực hiện.

 

Bổ sung quy định về giấy xác nhận về danh mục các văn bằng, chứng chỉ và các giấy tờ khác có liên quan đã có bản sao công chứng hoặc bản gốc trong hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức.

 

Theo đó, đối với những văn bằng, chứng chỉ đã có trong hồ sơ thì cơ quan tham mưu về tổ chức, cán bộ của đơn vị có trách nhiệm xác nhận; giấy xác nhận có giá trị thay thế các bản sao và được sử dụng trong quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và trong các công tác cán bộ khác.

 

Quy định này nhằm giải quyết thực trạng cán bộ, công chức, viên chức phải nộp quá nhiều bản sao công chứng trong quá trình công tác trong khi đã có trong hồ sơ cán bộ khi được tuyển dụng, tiếp nhận.

 

Theo VTV.VN

Tin cùng chuyên mục

Xem thêm