Banner

Thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ

Năm 2021, Hà Nội đặt mục tiêu giá trị sản xuất của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 16% giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đạt tiêu chuẩn quốc tế, có đủ năng lực cung ứng, tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Để đạt mục tiêu đề ra, thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp theo hướng sát thực tế hơn để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển…

 

Đóng gói sản phẩm tại nhà máy của Tập đoàn Inox Hoàng Vũ
(Cụm công nghiệp Bắc Từ Liêm, quận Bắc Từ Liêm). Ảnh: Thanh Hiền


Chưa tham gia sâu vào chuỗi sản xuất

 

Năm 2020, mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề, song ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Hà Nội vẫn tăng trưởng 4%; trong đó, công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò cung cấp linh kiện, phụ tùng, vật liệu… cho công nghiệp chế biến, chế tạo. Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng, hiện Hà Nội có khoảng 1.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đang hoạt động, tập trung vào ba lĩnh vực: Sản xuất linh kiện điện - điện tử, linh kiện lắp ráp ô tô và linh kiện cơ khí chế tạo; phục vụ ngành dệt may, da giày; phục vụ công nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh kết quả đạt được, thực tế cho thấy, số lượng doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới sản xuất còn rất ít, hầu hết các linh kiện, phụ tùng quan trọng cho sản phẩm công nghiệp vẫn phải nhập khẩu. 

 

Đánh giá về hoạt động của ngành công nghiệp hỗ trợ, các chuyên gia cho rằng, phần lớn doanh nghiệp còn có quy mô nhỏ, mức độ đầu tư hạn chế. Sản phẩm đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm, nên chưa tham gia sâu vào các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Số liệu của Bộ Công Thương cũng cho thấy, tuy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp 40% trong tổng giá trị doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế, nhưng giá trị gia tăng thấp. Hai sản phẩm chủ lực của Việt Nam là dệt may, hàng điện tử có tỷ lệ giá trị gia tăng trong nước lần lượt là hơn 50% và hơn 37%. 

 

Thực tế, Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình trợ giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, như hoạt động kết nối với khách hàng trong và ngoài nước, xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài, áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu… Song, theo các doanh nghiệp, mức độ tiếp cận ưu đãi còn hạn chế, thiếu thông tin, tiêu chí đánh giá cụ thể. Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cường (cung ứng linh kiện ngành nhựa) Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ, chi phí tiền thuê đất, giá thành lao động, các dịch vụ khác tại Hà Nội cao hơn các tỉnh, thành phố lân cận, ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định đầu tư và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

 

Nhiều giải pháp cần được triển khai

 

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng, năm 2020 là năm đầu tiên Sở Công Thương triển khai một cách có hệ thống các chính sách khuyến khích doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nên dù đã rất cố gắng nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần điều chỉnh trong những năm tiếp theo để đạt hiệu quả.

 

Đầu tháng 3-2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 49/KH-UBND về Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2021 với mục tiêu trong năm nay, phấn đấu có khoảng 300 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Giá trị sản xuất của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 16% giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; chỉ số phát triển công nghiệp hỗ trợ tăng trên 11%.

 

Về giải pháp cụ thể, thành phố sẽ tổ chức xúc tiến, thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ. Dự kiến, một hội chợ với quy mô khoảng 250 gian hàng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội được tổ chức nhằm kết nối với các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước như Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc… theo hình thức cả trực tiếp và trực tuyến. Ngoài ra, thành phố sẽ tổ chức các đoàn công tác theo dõi hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn nhằm tháo gỡ khó khăn, bảo đảm việc hỗ trợ thiết thực, hiệu quả. Định hướng trong 5 năm tới, thành phố sẽ hình thành mạng lưới công nghiệp hỗ trợ với nhiều lớp cung ứng; trước mắt là đẩy mạnh liên kết - cung ứng trong Vùng Thủ đô, đặc biệt trong một số lĩnh vực đã phát triển như: Sản xuất ô tô, xe máy; cơ khí chế tạo; điện thoại di động...

 

Cùng với sự giúp sức của thành phố, các doanh nghiệp cũng tích cực, chủ động đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội Bùi Minh Hải cho biết, đổi mới công nghệ được công ty xác định là chìa khóa để doanh nghiệp sẵn sàng đón đầu các làn sóng đầu tư nước ngoài, từ đó tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Thông tin thêm, ông Đàm Tiến Thắng cho hay, thành phố ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ và xem đó là giải pháp đột phá nhằm tạo động lực cho các ngành công nghiệp Hà Nội. Trước dự báo làn sóng dịch chuyển các nhà máy sản xuất về khu vực Đông Nam Á, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cần nhanh chóng đón đầu cơ hội, sẵn sàng kết nối kinh doanh, mở rộng thị trường bằng năng lực của mình.

 

Theo Hanoimoi.com.vn