Banner

(TTV) Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương

Sáng ngày 4/7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội sau nửa chặng đường của năm “bứt phá” 2019 và thảo luận các biện pháp trong thời gian tới. 

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang; Phạm Minh Huấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.

 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang.

 

Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các ý kiến thảo luận tại hội nghị khẳng định, qua 6 tháng triển khai Nghị quyết số 01 của Chính phủ và 3 tháng triển khai Chỉ thị số 09 của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp đề ra. Các nhiệm vụ có thời hạn hoàn thành trong quý II cơ bản đáp ứng đúng tiến độ, trong đó đã hoàn thành 60% nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01 và 67% nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 09. Kinh tế vĩ mô ổn định. Lạm phát được kiểm soát tốt. Tăng trưởng GDP, thu ngân sách, đầu tư, thương mại, xuất nhập khẩu, phát triển doanh nghiệp đều đạt khá.


Cụ thể, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 6,76%, tuy thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm từ 2011-2017. Đáng chú ý, ngành nông nghiệp gặp khó khăn do dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng nên chỉ tăng 1,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,07% của 6 tháng năm 2018. Điểm sáng của khu vực này là ngành thủy sản tăng trưởng khá ở mức 6,45% do nhu cầu thị trường tiêu thụ tăng cao và là mức tăng trưởng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 9 năm trở lại đây. 


Giải ngân vốn FDI 6 tháng đầu năm có kết quả tốt, ước đạt 9,1 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, lượng khách quốc tế đến nước ta đều tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước có gần 67.000 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 3,8% về số doanh nghiệp và tăng 32,5% về số vốn đăng ký. Có trên 21.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2018.

 

Hội nghị đã dành nhiều thời gian nghe ý kiến của các địa phương để có hướng xử lý hiệu quả đối với từng vấn đề cụ thể theo tinh thần phân cấp, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương. Các ý kiến thảo luận đã đề cập nhiều, tập trung hơn vào những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức mà đất nước, từng bộ, ngành, địa phương phải đối mặt. Trên cơ sở đó để đưa ra giải pháp xử lý nhanh, hiệu quả, kiên quyết không để vướng mắc kéo dài, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

 

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Những kết quả của 6 tháng đầu năm là rất quan trọng, khẳng định nỗ lực không ngừng nghỉ trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong thời thời gian qua. Thủ tướng nêu những khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế, nhắc lại một số tồn tại, hạn chế và yêu cầu các ngành các cấp cần tích cực, chủ động hơn trong thực hiện nhiệm vụ. 


Nhấn mạnh nhiệm vụ phải thực hiện trong 6 tháng cuối năm là hết sức nặng nề, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần phải linh hoạt ứng phó, có giải pháp kịp thời, không được chủ quan, phải xác định rõ những nhiệm vụ, những giải pháp trọng tâm đối với từng bộ, ngành, địa phương trên tinh thần phân cấp mạnh mẽ hơn. Đề cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu, chủ động, linh hoạt hơn trong chỉ đạo điều hành, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân. 

 

Trước mắt cần tập trung phát huy các dư địa của động lực hỗ trợ tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng dự án lớn, trọng điểm. Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, xúc tiến thương mại, thu hút các nhà đầu tư vào Việt Nam, kết hợp hiệu quả kinh tế tư nhân với đầu tư nước ngoài. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư kinh doanh ở tất cả các ngành, địa phương. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tập trung ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi. Chủ động các phương án phòng, chống thiên tai./.

 

Duy Linh – Lưu Khiêm