Banner

(TTV) Tuyên Quang phát triển rừng FSC

Trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC giúp người dân ở Tuyên Quang thay đổi nhận thức để phát triển rừng theo hướng bền vững, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.

 

Ông Trần Đình Quang thôn Ngầu, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) có 6 ha rừng keo đã được cấp chứng chỉ FSC. Trước đây, do chưa chú ý đến chất lượng cây giống, kỹ thuật chăm sóc, nên năng suất thấp, giá thành cũng không ổn định. Sau khi trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, rừng của gia đình ông Quang đã được quản lý chặt chẽ, chăm sóc theo đúng kỹ thuật nên năng suất, chất lượng gỗ cao hơn.


Để được cấp chứng chỉ rừng, các hộ phải tuân thủ nghiêm ngặt bộ 10 nguyên tắc và 56 tiêu chí. Gỗ đến tuổi khai thác sẽ được Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang thu mua và hỗ trợ thêm 100.000 đồng/m3.

 

Từ năm 2015, tỉnh Tuyên Quang bắt đầu thí điểm xây dựng chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn của Hội đồng Quản trị rừng thế giới FSC. Tỉnh đã chủ động mời gọi Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang ký kết thỏa thuận hợp tác, lựa chọn đơn vị tư vấn, xây dựng lộ trình cụ thể cho từng hoạt động. Đồng thời, chỉ đạo UBND các huyện, thành phố phối hợp với Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang rà soát, triển khai cấp chứng chỉ rừng FSC cho hộ, nhóm hộ gia đình.

 

 

Hiện nay, rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC của các hộ dân trên địa bàn các huyện phát triển nhanh. Theo Chi cục Kiểm Lâm tỉnh, tính đến thời điểm tháng 6/2019, toàn tỉnh có trên 22.000 ha rừng được cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn FSC.


Tốc độ phát triển rừng FSC nhanh hơn so với rừng được trồng theo cách thông thường, sản lượng gỗ cũng tăng từ 10 – 15%. Qua đó, thu nhập của các hộ trồng rừng theo tiêu chuẩn được nâng cao, đặc biệt là bảo vệ được môi trường. 


Tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động để mở rộng diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ; Thành lập nhóm hộ để quản lý rừng bền vững, xây dựng kế hoạch cho từng hoạt động cụ thể trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; Tiếp tục thực hiện chuỗi liên kết bền chặt giữa doanh nghiệp chế biến với doanh nghiệp sản xuất lâm nghiệp, HTX và nhóm hộ, trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các bên, đáp ứng được các yêu cầu, nhu cầu của thị trường đồ gỗ xuất khẩu./.  

 

Hoài Thu – Tuấn Tú