Banner

Ngành thép trong nước không ảnh hưởng từ việc Mỹ áp thuế

Theo nhiều DN sản xuất thép trong nước, việc Mỹ áp thuế thép không có nhiều tác động, thậm chí còn tạo cơ hội cho các DN nội đẩy mạnh xuất khẩu thép vào thị trường Mỹ.

Ngày 2/7 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành kết luận sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp đối với thép cán nguội và tôn mạ của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ Hàn Quốc và Đài Loan. Tuy nhiên, động thái này không ảnh hưởng nhiều tới ngành thép trong nước.

 

Tính từ đầu năm đến nay, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen đã xuất khẩu được hơn 63.000 tấn, dự báo cá năm doanh thu đạt trên 60 triệu USD. Theo đại diện công ty, việc xuất khẩu vào thị trường Mỹ không chịu nhiều ảnh hưởng khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp là bởi công ty không sử dụng nguồn nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ Hàn Quốc hay Đài Loan.

 

Theo quyết định của Bộ Thương Mại Mỹ (DOC) ngày 2/7, sản phẩm tôn mạ sử dụng nguyên liệu thép cán nóng từ Hàn Quốc sẽ chịu mức thuế chống bán phá giá là 28,28% và mức thuế chống trợ cấp là 1,19%. Còn đối với tôn mạ sử dụng nguyên liệu thép cán nóng từ Đài Loan sẽ chịu thuế chống bán phá giá là 10,34%; trong trường hợp không xác định được xuất xứ thì phải áp mức thuế lên tới 456%.

 

Như vậy, nếu thép Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ mà không sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) sẽ không bị áp thuế.

 

Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện tỷ trọng nhập khẩu thép cán nóng từ Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) là khoảng 15%/nước. Do đó, việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp sẽ không có tác động nhiều tới các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước.

 

Hiệp hội Thép cũng cho biết, dự kiến đến năm 2020, khi nhà máy Hòa Phát Dung Quất đi vào hoạt động sẽ đáp ứng được khoảng 70-80% nguyên liệu thép cán nóng cho thị trường trong nước.

 

Theo VTV.VN