Thứ Tư, 19/02/2025 22:44

"Khoa học là miền đất hoang vu, ai mà đi trúng sẽ thắng lợi"

16/02/2025 - 09:43 | Thời sự - chính trị

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh việc phải lựa chọn công nghệ hiện đại, tiên tiến, phải đi tắt đón đầu, nếu không sẽ tụt hậu so với thế giới.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu

Ngày 15/2, thảo luận tại Tổ 1 về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đây là nội dung rất quan trọng, rất gấp. Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã được ban hành cuối năm 2024, nhưng để đi vào cuộc sống không thể chờ đợi sửa đổi các luật liên quan (dự kiến đến cuối năm 2025 mới hoàn thành), khi đó không còn ý nghĩa của tinh thần Nghị quyết 57.

Khoa học là miền đất hoang vu, ai mà đi trúng sẽ thắng lợi - Ảnh 1.

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 1

Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, thời gian qua không phát triển được là do vướng mắc trong hệ thống pháp luật, trong đó có các luật như Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Luật Sở hữu trí tuệ... Tổng Bí thư nhấn mạnh, lựa chọn công nghệ phải chọn công nghệ hiện đại, tiên tiến, phải đi tắt đón đầu, nếu không sẽ tụt hậu so với thế giới. Nếu chỉ lựa chọn công nghệ, máy móc giá rẻ, chúng ta sẽ trở thành bãi rác công nghệ. Tổng Bí thư đề nghị nghiên cứu các quy định về khuyến khích như thế nào để phát huy hiệu quả hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh mục tiêu của Nghị quyết không chỉ là tháo gỡ vướng mắc, mà là khuyến khích.

"Khoa học là miền đất hoang vu, ai mà đi trúng sẽ thắng lợi. Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã nhận thấy điều đó và đã có những chủ trương chỉ đạo cụ thể" - Tổng Bí thư nêu rõ.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, Nghị quyết của Quốc hội tập trung vào những vấn đề cơ bản, không quy định quá phức tạp, còn hệ thống pháp luật sẽ cần tiếp tục sửa đổi, đồng bộ, trước mắt là Luật Khoa học và công nghệ và các luật liên quan.

Thiết kế thêm cơ chế miễn trừ trách nhiệm khi xảy ra rủi ro

Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được triển khai quyết liệt. Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nỗ lực trong thời gian ngắn để xây dựng nghị quyết trình Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Khoa học là miền đất hoang vu, ai mà đi trúng sẽ thắng lợi - Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu

Khẳng định muốn phát triển nhanh, bền vững thì cần phải dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, trước hết cần tháo gỡ về mặt thể chế để giải quyết trước mắt một số khó khăn, vướng mắc để Nghị quyết 57 đi ngay vào cuộc sống. Tiếp đến, cần tiến hành sửa một loạt luật liên quan ngân sách, thuế, doanh nghiệp, khoa học công nghệ…

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cho biết, cùng với các chính sách đặc thù, cần bổ sung các cơ chế đặc biệt. Trước hết là cơ chế đặc biệt cho phát triển kết cấu hạ tầng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vì hạ tầng này hiện còn rất yếu. Nguồn lực cần rất lớn nên phải có cơ chế huy động nguồn từ hợp tác công tư, từ doanh nghiệp, xã hội và người dân.

Dự thảo mới đề cập miễn trừ trách nhiệm cho người soạn thảo chính sách, nhưng khâu thực hiện mới là khó và còn yếu. Do đó, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, nếu không có cơ chế đặc biệt bảo vệ người thực hiện thì lại dẫn đến sợ trách nhiệm, đùn đẩy, không muốn làm. Phải thiết kế thêm cơ chế miễn trừ trách nhiệm khi xảy ra rủi ro cho người thực hiện chứ không chỉ với người thiết kế chính sách, như thế mới toàn diện.

Một cơ chế đặc biệt khác được Thủ tướng Chính phủ đề cập là cơ chế thu hút nguồn nhân lực. Như thu hút nhân lực để phát triển doanh nghiệp tư nhân về khoa học công nghệ; thu hút nguồn nhân lực từ bên ngoài về Việt Nam, vào Việt Nam góp phần thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, bằng chính sách thuế, phí, nhà cửa, đất đai, visa, hợp đồng lao động…

Cùng thảo luận tại Tổ 8, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (TP Cần Thơ) cho rằng có những lĩnh vực rất cần có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài, nên khoản 1 Điều 8 cần ghi rõ là "chuyên gia trong và ngoài nước", để có cơ sở giải quyết các vướng mắc liên quan đến thủ tục như visa, giấy phép lao động… qua đó đảm bảo huy động được nguồn lực trí tuệ phục vụ sự phát triển khoa học công nghệ quốc gia.

Theo VTV.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem thêm