Banner

Lực lượng Biên phòng đồng hành cùng ngư dân chống khai thác IUU

11:10, 27/04/2024

Là lực lượng nòng cốt trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Bộ đội Biên phòng TP. Đà Nẵng phối hợp cùng các cơ quan kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các tàu cá ra, vào cảng cá lớn nhất miền Trung, đồng thời xử lý quyết liệt các hành vi vi phạm.

 

Chủ tàu làm thủ tục rời bến tại Trạm Kiểm soát biên phòng Mân Quang - Ảnh: VGP/Minh Trang

 

Cảng cá Thọ Quang (TP. Đà Nẵng) là nơi tập trung lượng lớn các tàu cá khắp các tỉnh, thành phố miền Trung. Tại đây, mỗi ngày có vài chục lượt tàu cá xuất nhập bến, lúc cao điểm có thể lên đến hàng trăm chiếc. 

 

Số lượng tàu thuyền lớn đặt ra yêu cầu, trách nhiệm cao đối với các cán bộ, chiến sĩ Trạm Kiểm soát biên phòng Mân Quang (Đồn Biên phòng Sơn Trà). 

 

Vào cuối tháng 4, tàu NA93592 rời cảng cá Thọ Quang chuẩn bị cho chuyến hải trình dài ngày. Trước khi rời bến, anh Bùi Văn Tiến, chủ tàu NA93592 thực hiện các thủ tục tại Trạm Kiểm soát biên phòng Mân Quang. Theo quy định, anh Tiến xuất trình các loại giấy tờ như đăng kiểm, đăng ký khai thác, an toàn thực phẩm… cùng giấy tờ tùy thân.

 

Sau đó, lực lượng biên phòng Mân Quang tiến hành kiểm tra phương tiện, các thiết bị trên tàu như giám sát hành trình, thiết bị nhận dạng, máy móc, các loại phao… đảm bảo an toàn hàng hải mới cho xuất bến.

 

Anh Bùi Văn Tiến cho biết: "Với tính chất là tàu đánh bắt xa bờ, chúng tôi kiểm tra kỹ thiết bị giám sát hành trình, khai báo đầy đủ các thủ tục tại cảng cá. Trên tàu luôn có sẵn các tờ rơi tuyên truyền về chống khai thác IUU nên chúng tôi tự nhắc nhở nhau và xác định luôn luôn thực hiện đầy đủ quy định pháp luật".

 

 

Cán bộ Trạm Kiểm soát biên phòng Mân Quang kiểm tra thiết bị trên tàu đảm bảo điều kiện an toàn hàng hải - Ảnh: VGP/Minh Trang

 

Đại úy Trần Văn Tiệp, Trạm Kiểm soát biên phòng Mân Quang cho hay: "Lực lượng bộ đội biên phòng và các đơn vị tại Đà Nẵng phối hợp làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát rất chặt chẽ, đúng quy định trong chống khai thác IUU. Do đó rất ít trường hợp vi phạm. Các phương tiện vi phạm chủ yếu là các phương tiện ngoại tỉnh".

 

Đặc biệt, với mật độ tàu thuyền ra vào lớn, các cán bộ Trạm Kiểm soát biên phòng Mân Quang đã tìm ra giải pháp giúp các chủ tàu tiết kiệm thời gian mà vẫn đảm bảo kiểm soát tốt. 

 

"Quá trình làm thủ tục xuất, nhập bến cho các tàu cá thường mất nhiều thời gian, gặp trời mưa, giấy tờ dễ bị ướt. Từ đó, chúng tôi đã hướng dẫn các chủ tàu làm tờ phiếu kích thước bằng nhãn vở học sinh rồi ghim vào đầu trang bìa. Trên tờ phiếu ghi sẵn thời hạn các loại giấy tờ,  chỉ cần nhìn vào phiếu là biết. 

 

Việc làm này đã giúp tiết kiệm thời gian mà vẫn đảm bảo công tác kiểm tra. Đặc biệt, trên tấm phiếu kiểm tra phương tiện có ghi số điện thoại di động của cán bộ Trạm để ngư dân liên lạc... Nhờ thế, một số chủ tàu bị tai nạn ngoài khơi đã được hỗ trợ kịp thời", Đại úy Trần Văn Tiệp chia sẻ.

 

Cán bộ Trạm Kiểm soát biên phòng Mân Quang kiểm tra các thiết bị đảm bảo hàng hải, cứu sinh trên biển - Ảnh: VGP/Minh Trang

 

Kiên quyết xử phạt các hành vi vi phạm

 

Đại úy Nguyễn Văn Khánh, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng Mân Quang, cho biết với đặc thù là Trạm biên phòng quản lý cảng cá lớn nhất khu vực miền Trung nên các chiến sĩ đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền để xây dựng nền tảng ý thức của ngư dân, "cái gốc tốt thì mọi việc sẽ thuận lợi hơn". Công tác tuyên truyền được tổ chức theo 3 hình thức: Tập trung, phát tờ rơi và làm việc cụ thể đối với những trường hợp trễ hẹn đăng kiểm, trễ giấy phép khai thác 2 lần trở lên....

 

Theo Đại úy Nguyễn Văn Khánh, trước đây, một số chủ tàu thường xuất bến trong đêm để không báo cáo, tuy nhiên, đã bị lực lượng của Trạm phát hiện và xử lý nghiêm. 

 

Đơn cử vào năm 2022, một tàu cả của tỉnh Quảng Ngãi trong quá trình kiểm tra bị phát hiện vi phạm lỗi không duy trì thường xuyên thiết bị giám sát hành trình. Đơn vị đã gửi giấy mời làm việc, nhưng chủ tàu không chấp hành và lợi dụng đêm tối để xuất bến không trình báo Trạm kiểm soát. Khi bị cán bộ của Trạm phát hiện và ra hiệu dừng tàu, chủ tàu đã không chấp hành và điều khiển tàu bỏ chạy. Đơn vị  đã dùng ca nô truy đuổi, buộc chủ tàu phải đưa tàu quay lại trạm làm việc.

 

Sau đó, Đồn Biên phòng Sơn Trà ra quyết định xử phạt chủ phương tiện, đồng thời buộc tàu phải quay lại âu thuyền Thọ Quang, chỉ làm thủ tục xuất bến sau khi đã giải quyết vi phạm trước đó. 

 

Theo Đồn Biên phòng Sơn Trà, năm 2023, đơn vị đã xử lý 20 vụ đối với 24 phương tiện, tổng số tiền 136 triệu đồng với các lỗi như không chấp hành kiểm tra, kiểm soát theo quy định. Sử dụng phương tiện hoạt động không đảm bảo điều kiện an toàn, sử dụng công cụ kích điện để khai thác …

 

 

TP. Đà Nẵng tập trung rà soát, thống kê để quản lý chặt chẽ các đội tàu - Ảnh: VGP/Minh Trang

 

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP. Đà Nẵng, thông qua công tác tuần tra kiểm soát người, phương tiện xuất, nhập bến tại các trạm kiểm soát biên phòng đã tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho ngư dân nắm chắc các vùng thuộc quyền, chủ quyền của Việt Nam, nâng cao nhận thức cho ngư dân trong việc chấp hành các quy định khi tham gia hoạt động đánh bắt hải sản trên biển, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam đi khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

 

Năm 2023, các đơn vị của Bộ Chỉ huy Bội đội biên phòng TP. Đà Nẵng tuyên truyền tập trung được 28 lượt buổi/580 lượt thuyền trưởng, ngư dân; tuyên truyền kiểm soát cơ động tại các trạm kiểm soát và tuần tra trên sông, vịnh được 570 lượt người; phát hơn 1.000 tờ rơi các nội dung liên quan đến chống khai thác IUU. Đồng thời yêu cầu 100% thuyền trưởng , tàu khai thác hải sản xa bờ ký bản "Cam kết không xâm phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài".

 

 

Theo Chinhphu.vn