Banner

Đảm bảo quyền của người khuyết tật

09:50, 18/04/2024

Ngoài việc được trao quyền và nâng cao năng lực, bản thân mỗi người khuyết tật cũng tự vươn lên để hòa nhập, từ đó có nhiều đóng góp và hỗ trợ cộng đồng.

Hôm nay (18/4) là Ngày Người khuyết tật Việt Nam. Hiện cả nước có 7,6 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7% dân số. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật và thực hiện các chính sách trợ giúp người khuyết tật là một trong những chủ trương, chính sách lớn luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm sâu sắc.

 

Kể từ khi ban hành Luật Người khuyết tật năm 2010 và phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền của Người khuyết tật năm 2015, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong việc bảo vệ quyền của người khuyết tật. Cuộc sống của họ từng bước được cải thiện để tự tin hòa nhập và vươn lên phát triển bản thân.

 

Là người khuyết tật nặng, chị Bích Ngọc không mất phí mua vé đường sắt đô thị Hà Nội. Ngoài ra, khi khám chữa bệnh theo đúng tuyến thẻ bảo hiểm y tế, chị được thanh toán 100% chi phí. Những hỗ trợ này đã mang đến nhiều cải thiện để chị Ngọc tự tin hòa nhập xã hội.

 

Bên cạnh tiếp cận giao thông, y tế, các chính sách trợ giúp khác dành cho người khuyết tật luôn được ưu tiên. (Ảnh: NLĐ)

 

"10 năm nay, người khuyết tật như mình có thể tự đi khám, chữa bệnh miễn phí; có thẻ xe bus miễn phí để mình có thể đi lại dễ dàng. Được đi giao tiếp nhiều mình mới bạo dạn được, được đi về phía trước cùng với mọi người", chị Phan Bích Ngọc, TP Hà Nội, chia sẻ.

 

Bên cạnh tiếp cận giao thông, y tế, các chính sách trợ giúp khác dành cho người khuyết tật luôn được ưu tiên, trong đó có việc đảm bảo tiếp cận giáo dục cho trẻ khuyết tật.

 

Trên 81% học sinh khuyết tật lứa tuổi tiểu học đi học đúng độ tuổi. Trong số học sinh đang đi học, 95% học sinh học tại các trường hòa nhập; gần 5% học sinh học tại các trường, lớp chuyên biệt.

 

"Là một quốc gia có thu nhập trung bình, những tiến bộ của Việt Nam. đặc biệt về trợ giúp xã hội và bảo trợ xã hội là rất đáng khen ngợi. 94% người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng tại Việt Nam nhận được ít nhất một hình thức hỗ trợ hàng tháng; 95% người khuyết tật Việt Nam nhận được bảo hiểm y tế. Hơn 91% người khuyết tật Việt Nam được Chính phủ chăm sóc sức khỏe miễn phí", bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, nhận định.

 

Bên cạnh việc được trao quyền và nâng cao năng lực, bản thân mỗi người khuyết tật cũng tự vươn lên để hòa nhập, từ đó có nhiều đóng góp và hỗ trợ cộng đồng.

 

Theo VTV.VN