Banner

Đoàn giám sát Quốc hội làm việc với Chính phủ về phòng cháy, chữa cháy

Sáng ngày 8/7, tại Hà Nội, Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018” làm việc với Chính phủ. 
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu tại cuộc
làm việc - Ảnh: VGP/Lê Sơn

 

Tham dự cuộc làm việc có Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình; Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Trưởng Đoàn giám sát; lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương có liên quan. 

 

4 năm: Một số thống kê về cháy nổ 

 

Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018 cho biết: Giai đoạn 2014-2018, tình hình kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục giữ đà tăng trưởng, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá ngày càng nhanh, số công trình xây dựng gia tăng từ 30.000 đến 50.000 công trình/năm; khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy hiểm về cháy nổ ngày càng nhiều, trung bình tăng trên 15.000 cơ sở/1 năm; cả nước có trên 14 triệu ha rừng, hơn 4 triệu ô tô, 59 triệu xe máy và trên 253.000 phương tiện giao thông thuỷ nội địa. Thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH). 

 

Về tình hình cháy, nổ: Theo thống kê của Bộ Công an, từ 7/2014-5/2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người, thiệt hại về tài sản ước tính trên 6.500 tỷ đồng và 6.400 ha rừng. 

 

Trong số 13.149 vụ cháy nêu trên thì cháy nhà dân chiếm 40% tổng số vụ cháy, nguyên nhân chủ yếu là do không bảo đảm an toàn hệ thống điện (chiếm 57%) và do sơ suất trong quá trình sử dụng lửa, xăng dầu, khí đốt (chiếm trên 29%). Số vụ cháy lớn tuy chỉ chiếm 1% tổng số vụ nhưng chiếm trên 76% tổng thiệt hại. 

 

Chỉ rõ nguyên nhân tình hình trên, Chính phủ cho rằng, hiện tượng “khoán trắng” cho lực lượng công an còn xảy ra ở nhiều nơi, việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ PCCC và CNCH chưa được quan tâm đúng mức, một số nơi lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở, PCCC chuyên ngành chưa được phát huy tốt vai trò nòng cốt, điều kiện cơ sở hạ tầng ở nước ta còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, biến đổi khí hậu tiếp tục làm tăng nguy cơ cháy, đặc biệt là cháy rừng… 

 

Trước tình hình đó, báo cáo của Chính phủ đề ra các giải pháp trọng tâm thời gian tới như nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác PCCC, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khi xây dựng các đề án quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội phải chú trọng tới công tác quy hoạch hạ tầng PCCC; tăng cường tuyên truyền, đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả PCCC; tập trung xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH với phương châm “4 tại chỗ”; chỉ đạo Bộ Công an chủ trì nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao để điều chỉnh công tác này; huy động nguồn lực của xã hội xây dựng và phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về PCCC, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật; triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các vụ cháy nổ; kiện toàn và xây dựng lực lượng PCCC chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; tăng cường các biện pháp, giải pháp rừng với phương châm “4 tại chỗ”. 

 

Đồng thời, Chính phủ cũng kiến nghị Ban Bí thư chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện chỉ thị 47-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC để kiểm điểm trách nhiệm của các cấp uỷ đảng trong việc triển khai thực hiện và đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả Chỉ thị này; đề nghị Quốc hội tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật, trước mắt ban hành Pháp lệnh về cứu nạn, cứu hộ; tăng cường giám sát công tác PCCC; ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực PCCC. 

 

Làm rõ trách nhiệm liên quan đến chập điện gây cháy nổ 

 

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, Phó Trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh: Xác định nguyên nhân cháy mới có giải pháp khắc phục, báo cáo chỉ ra nguyên nhân do chập điện là 57%, một số nơi đoàn đi thì nguyên nhân chập điện lên đến 70%. Do vậy, phải xác định trách nhiệm của ngành điện liên quan đến cháy nổ trong các khu chung cư cũ, trung tâm thương mại, nhà ở hỗn hợp… Hiện nay vẫn còn hơn 1.000 vụ cháy nổ chưa làm rõ được nguyên nhân cháy. 

 

Từ đó, bà Nga đề nghị, trong 126 vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng được đề cập, báo cáo cần có phụ lục phân tích rõ về nguyên nhân, trách nhiệm của 5 vụ cháy nổ nghiêm trọng nhất trong 126 vụ cháy lớn đặc biệt nghiêm trọng này để Đoàn giám sát có căn cứ kiến nghị và đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết về vấn đề này để thực sự chuyển biến trong thời gian tới. 

 

Qua giám sát tại một số tỉnh, thành phố lớn như Đồng Nai, Bình Dương đều đề nghị, nếu không có lực lượng PCCC chuyên nghiệp thì không đáp ứng được yêu cầu khi xảy ra cháy nổ. 

 

Cục trưởng Cục Kiểm tra giám sát kỹ thuật an toàn và môi trường (Bộ Công Thương) cho rằng, ngành điện chỉ có trách nhiệm mua bán điện, việc cấp phép xây dựng là do ngành xây dựng thực hiện, quản lý Nhà nước về PCCC do lực lượng PCCC của Bộ Công an đảm nhiệm. 

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phản biện: Phải rà soát lại xem có lỗ hổng nào không? Hay ngành điện không có khuyết điểm mà do người sử dụng điện mà thôi? Có phải ngành điện chỉ bán điện xong là hết trách nhiệm bởi đa số các vụ cháy có nguyên nhân từ điện? Ngành điện phải tìm ra nguyên nhân cháy nổ chứ không thể nói chung chung như thế này. 

 

Phó Chủ tịch Đỗ Bá Tỵ lưu ý: Hiện còn 2.000 cơ sở chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC nhưng đã đưa vào hoạt động là cực kỳ nguy hiểm. Do đó, để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân phải rà soát lại ngay, có thể sơ tán dân ra ngoài để khắc phục PCCC, không để khi xảy cháy chết người mới tiến hành thực hiện PCCC. 

 

Ảnh: VGP/Lê Sơn

 

Đề cao phòng cháy có hiệu quả, nâng cao ý thức của người sử dụng điện 

 

Phát biểu tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cảm ơn Đoàn giám sát đã chỉ ra những kết quả và hạn chế của việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC thời gian qua. Chính phủ xin nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát để chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, thiếu sót nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PCCC thời gian tới. 

 

Để làm rõ thêm một số nội dung mà Đoàn giám sát quan tâm, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh một số nội dung lớn. Đó là, thời gian qua, công tác PCCC đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện, như Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 47-CT/TW năm 2015, Quốc hội ban hành Luật PCCC, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, quyết định, chỉ thị, công điện chỉ đạo quyết liệt. Đồng thời tổ chức nhiều hội nghị đánh giá tình hình và bàn giải pháp thực hiện công tác PCCC. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác này đã đạt nhiều kết quả tích cực, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, kiềm chế được số vụ cháy và thiệt hại do cháy nổ gây ra, góp phần an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước. 

 

Tuy nhiên, công tác PCCC còn một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, đã xảy ra nhiều vụ cháy lớn, nhất là tại các đô thị, địa bàn tập trung dân cư, khu công nghiệp, cơ sở dịch vụ giải trí. Đặc biệt, từ 26/6-1/7/2019, trên địa bàn các tỉnh miền Trung đã xảy ra hàng trăm điểm cháy rừng làm thiệt hại hàng trăm ha rừng. 

 

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do nhiều khu dân cư, chung cư xuống cấp, khu công nghiệp và cơ sở kinh doanh thiếu các điều kiện về an toàn PCCC, trang bị phương tiện và điều kiện hạ tầng về giao thông, nguồn nước nhiều nơi còn bất cập… 

 

Một số chính quyền địa phương còn buông lỏng, chưa làm hết trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về PCCC, công tác “4 tại chỗ” chưa thực sự hiệu quả, hoạt động tuyên truyền về nhận thức, kiến thức và kỹ năng chưa đáp ứng yêu cầu, ý thức của một bộ phận người dân về PCCC còn hạn chế, vi phạm về PCCC còn phổ biến…

 

Để nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác PCCC, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ nhiệm vụ mà các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách như: Tiếp tục quán triệt, tập trung thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 47-CT/TW của Ban Bí thư về công tác này, Luật PCCC, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 47 nêu trên; rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác PCCC trong tình hình mới, đề cao trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền địa phương, tập trung xây dựng lực lượng dân phòng để phát huy vai trò nòng cốt tại cơ sở, duy trì thực hiện công tác thường trực, sẵn sàng chiến đấu, kịp thời dập tắt các vụ cháy, không để xảy ra cháy lớn, góp phần kiềm chế thiệt hại về người và tài sản.

 

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kỹ năng và pháp luật về PCCC để nhân dân tự giác chấp hành, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền để người dân dễ hiểu, dễ thực hiện, nhất là việc sử dụng điện, công khai phê phán các hành vi vi phạm của các chủ cơ sở, cá nhân trên các phương tiện truyền thông để giáo dục, phòng ngừa chung.

 

Hoàn thiện quy hoạch hạ tầng về PCCC, giải quyết những bất cập về giao thông, cấp nước chữa cháy, có phương án xử lý các công trình đang sử dụng nhưng chưa bảo đảm an toàn PCCC. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát các cơ sở, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không bảo đảm an toàn PCCC. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng cần xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định. Cần điều tra, xử lý nghiêm các vụ cháy đã xảy ra thời gian qua.

 

Tăng cường đầu tư ngân sách, cơ sở vật chất, phương tiện và các điều kiện bảo đảm phục vụ công tác PCCC, có chính sách phù hợp nhằm khuyến khích và động viên những người tham gia chữa cháy.

 

Theo Chinhphu.vn