Banner

Ngân hàng ảo - Xu thế mới trong ứng dụng công nghệ tài chính

Ngân hàng ảo (ngân hàng kỹ thuật số) là loại hình ngân hàng chuyên hoạt động trên môi trường Intenet, toàn bộ các dịch vụ đều được cung cấp trực tuyến.

Các ngân hàng ảo thường do các công ty công nghệ lớn hoạt động trong lĩnh vực tài chính, hoặc là sự phối hợp giữa định chế tài chính với các công ty Fintech độc lập, vừa tiếp cận công nghệ mới vừa nắm bắt thị trường.


Từ quá trình ảo hóa...

 

Ngay từ đầu năm 2000, hệ thống thương mại điện tử đã dẫn đến sự hình thành ngân hàng số hiện đại. Trong những năm gần đây, nhiều nước trên thế giới đã cấp phép cho thí điểm hoặc chính thức hoạt động ngân hàng ảo như: Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Đức, Trung Quốc...

 

Theo hãng CNBC ngày 19/7, ngân hàng ảo (N26) của Đức vừa huy động được 170 triệu USD trong vòng gọi vốn mới nhất, khiến N26 đã có tổng cộng 670 triệu USD, phản ánh xu hướng phát triển nhanh chóng của lĩnh vực công nghệ tài chính ở châu Âu.

 

Năm 2015, ngân hàng ảo đầu tiên ở Trung Quốc cũng bắt đầu đi vào hoạt động. WeBank liên doanh với tập đoàn Internet Tencent Holdings. Chính phủ Trung Quốc cho rằng, sự ra đời của một loạt ngân hàng tư nhân sẽ giúp những người đi vay nhỏ lẻ có thể tiếp cận nguồn vốn một cách thuận lợi hơn. Đến năm 2018, cơ quan quản lý nước này cũng đã cấp phép cho 6 ngân hàng ảo hoạt động thử nghiệm.

 

Ngân hàng ảo, xu thế mới trong ứng dụng công nghệ tài chính.
(Ảnh minh họa: KT)

 

ASEAN là một trong những khu vực phát triển nhanh về ngân hàng số. Singapore hiện dẫn đầu về lượng khách truy cập tài khoản ngân hàng qua Internet (hơn 90%), tiếp theo là Indonesia, Malaysia và Việt Nam (khoảng 40%); Philippines và Thái Lan (20%).

 

Chỉ tính riêng năm 2019, Singapore đã thông báo cấp phép hoạt động cho 4 ngân hàng ảo; Hong Kong (TQ) cấp phép cho 8 ngân hàng ảo; Nhật Bản cũng có 3 tổ chức được cấp phép (LINE Financial Taiwan, Next Commercial Bank, và Rakuten International Commercial Bank. Malaysia đã xây dựng được khoảng 50% bộ khung pháp lý cho ngân hàng số và sẽ công bố vào cuối năm nay.

 

Đến khả năng cạnh tranh...

 

Ngân hàng số hiện đang hình thành hai nhánh: (1) Các ngân hàng truyền thống cung cấp tất cả dịch vụ trên nền tảng số; (2) Phát triển ngân hàng ảo 100%, hoặc ngân hàng ảo có ngân hàng thương mại đứng sau.

 

Theo dự báo, ngân hàng ảo có những ưu thế vượt trội sẽ sớm trở thành đối thủ cạnh tranh với các ngân hàng truyền thống trong tương lai gần, bởi các lý do sau:

 

Khả năng cạnh tranh cao, bởi khách hàng có thể dễ dàng thực hiện các giao dịch qua thiết bị kết nối Internet, với chi phí hoạt động thấp, chỉ bằng 1–2% so với các ngân hàng truyền thống nhờ tiết kiệm chi phí thuê văn phòng, thuê nhân công... nên có thể cho vay với lãi suất thấp hơn và thu phí dịch vụ cũng ít hơn.

 

Nâng cao tính minh bạch trong hoạt động, bởi ngân hàng ảo được xây dựng dựa trên nền tảng Blockchain lưu trữ phi tập trung các cơ sở dữ liệu nên nhà đầu tư có thể dễ dàng kiểm chứng và yên tâm rằng các thông tin được lưu trữ nhờ độ tin cậy của công nghệ Blockchain. Blockchain còn có tính năng hỗ trợ, giúp ngân hàng chống rửa tiền hoặc các giao dịch không minh bạch do mọi dấu vết giao dịch đều được lưu trữ trên Blockchain, không ai có thể thay đổi được.

 

Việc giao dịch thuận lợi, an toàn hơn, bởi công nghệ Blockchain tạo ra giao dịch đáng tin cậy, với hệ thống các bản ghi điện tử, nhận dạng chính xác và tự động, sau đó sử dụng các hợp đồng thông minh, khiến dòng tiền được trao đổi một cách nhanh chóng, bất kể đó là ngày hay đêm, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và hiệu quả cao.

 

Tính bảo mật và riêng tư cao, bởi sự cởi mở của khách hàng do: (1) Các ngân hàng ảo được thành lập dưới tên các công ty công nghệ sẽ có lợi thế với kinh nghiệm thực tế để xử lý các loại thiết kế bảo mật, giúp người dùng an tâm về quyền bảo mật và riêng tư; (2) Ngân hàng ảo sử dụng các thành tựu công nghệ nổi bật của AI, qua đó nắm bắt chính xác nhu cầu của từng khách hàng.

 

Các đồng tiền số cũng đang có những tác động đến hệ thống tài chính
quốc tế. (Ảnh minh họa: KT)

 

Theo giới quan sát, cuộc cạnh tranh giữa các ngân hàng ảo và ngân hàng truyền thống rất tiềm tàng, tuy nhiên vẫn còn đang ở phía trước, bởi các khảo sát thực tế cho thấy, các ngân hàng số được cấp phép trong đó có tỷ lệ gần 50% vẫn chọn mô hình hợp tác với các công ty tài chính, nên sức ép cạnh tranh vẫn chưa cao.

 

Mặt khác, việc thu hút khách hàng gửi số tiền lớn vào tài khoản tại ngân hàng ảo vẫn chưa đủ sức thuyết phục, nếu ngân hàng ảo đó chưa có các ngân hàng (truyền thống) lớn bảo trợ. Ngoài ra, còn phải kể đến là các thách thức bởi rào cản pháp lý như, quy trình xét duyệt cấp khoản vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đối với ngân hàng ảo, trong khi các ngân hàng truyền thống lại không gặp phải những khó khăn này.

 

Tuy nhiên, tại các trung tâm tài chính và các nước đã bắt đầu có động thái nới lỏng quy chế giám sát và cho phép các công ty khởi nghiệp thử nghiệm các sản phẩm tài chính trong môi trường có kiểm soát. Vì thế, tuy có những khó khăn ban đầu nhưng ngân hàng ảo vẫn được ghi nhận là một xu thế mà giới nghiên cứu và dư luận quan tâm.

 

Những khó khăn ở phía trước

 

Môi trường pháp lý chưa hoàn thiện để ngân hàng ảo có thể phát triển. Hiện nay, quy định pháp lý và sự điều chỉnh của cơ quan quản lý các nước chưa theo kịp tốc độ ứng dụng công nghệ mới, khiến hạn chế sự phát triển của ngân hàng ảo. Đồng thời có thể còn gây ra rủi ro pháp lý như: phòng chống rửa tiền, xác minh danh tính của các thành viên, bảo mật dữ liệu, tài khoản và giới hạn giao dịch… khi các ngân hàng ảo triển khai những ứng dụng công nghệ cao.

 

Trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng ảo vẫn còn chi phí rất lớn cho đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ. Mặt khác, các công ty công nghệ cũng cần tiêu tốn nhiều thời gian khi bắt đầu triển khai mô hình ngân hàng số để chuẩn hóa các hoạt động, công nghệ và nguồn nhân lực, nên các ưu thế của ngân hàng ảo vẫn chưa thể bộc lộ hết.

 

Sự lựa chọn chiến lược, dự báo thị trường, xây dựng kế hoạch, sản phẩm, tìm kiếm giải pháp... vẫn có thể sai lầm, khiến hệ số rủi ro cao. Mặt khác, việc ứng phó với các sự cố trong chuỗi hoạt động trên Blockchain (lỗ hổng công nghệ) dẫn tới khả năng bị lợi dụng để giao dịch trái phép, trộm cắp tiền trong hệ thống... vẫn có thể xẩy ra, làm thiệt hại về tài chính, mất vốn dẫn đến rủi ro thanh khoản, thị trường và tín dụng.

 

Niềm tin của khách hàng với các ngân hàng ảo. Đây là một trong những vấn đề cốt lõi. Mỹ là một quốc gia nổi tiếng về thực dụng, hiện đã có một số ngân hàng ảo đi vào hoạt động hàng chục năm nay như: Simple, Chime, Moven... nhưng tính đến tháng 6/2019, mới chỉ có 7 triệu tài khoản tiền gửi được mở tại các ngân hàng ảo này. Theo đó, chỉ có 3% khách hàng trong độ tuổi 8x có tài khoản chính nằm ở một ngân hàng số, tỷ lệ này giảm chỉ còn 1,5% đối với thế hệ 9x trở lên.

 

Như vậy, cùng với xu thế chung, “ảo hóa” ngân hàng cũng là một xu thế tất yếu của quá trình ứng dụng những sản phẩm đặc trưng của thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0. Blockchain, Fintech, AI, IoT... đều là những công nghệ có vai trò tác nhân ảo hóa ngân hàng, phù hợp với chính sách “Tập trung phát triển các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao”...  Trong đó, lĩnh vực “tài chính, ngân hàng” như Nghị quyết số 52-NQ/TW của BCT ban hành ngày 27/9 nêu ra, khiến giới nghiên cứu, hoạch định chính sách và dư luận đặc biệt quan tâm./.

 

Theo VOV.VN