Banner

Sau nửa năm 2019 chỉ số CPI tăng 1,41%

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2019 giảm 0,09% so với tháng trước, tăng 1,41% so với tháng 12/2018 và tăng 2,16% so với cùng kỳ năm trước.
Ảnh minh hoạ.

 

Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê cho biết, nguyên nhân khiến CPI tháng 6 giảm là do kinh tế vĩ mô ổn định, nỗ lực kiểm soát lạm phát của Chính phủ, sự chủ động điều hành giá xăng dầu, giá gas, giá điện, giá sách giáo khoa và giá dịch vụ y tế vào các thời điểm phù hợp, nguồn cung gạo dồi dào… 

 

Tính cả quý 2/2019, CPI tăng 0,74% so với quý trước và tăng 2,65% so với cùng kỳ năm 2018. 

 

Các nguyên nhân tác động làm tăng CPI quý 2/2019 so với cùng kỳ năm trước là do chỉ số giá nhóm xăng, dầu tăng 1,36%, làm cho CPI chung tăng 0,06%. Giá gas cũng điều chỉnh tăng liên tục từ tháng 1/2019 đến tháng 5/2019 làm cho chỉ số giá gas tăng 1,58% so với cùng quý năm trước. 

 

Giá điện sinh hoạt điều chỉnh tăng từ ngày 20/3/2019, cùng với nhu cầu tiêu dùng điện tăng vào quý 2/2019 do thời tiết nắng nóng làm cho giá điện sinh hoạt quý 2/2019 tăng 8,81% so với cùng kỳ năm trước.

 

Nếu tính bình quân 6 tháng đầu năm 2019, CPI tăng 2,64% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là mức tăng bình quân 6 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Như vậy, bình quân mỗi tháng CPI tăng 0,23% so với tháng trước. 

 

Các yếu tố tố kìm đà tăng CPI 6 tháng đầu năm 2019 là giá xăng dầu trong nước biến động theo xu hướng giá thế giới, trong 6 tháng đầu năm 2019, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng 4 đợt, giảm 4 đợt và 4 đợt giữ ổn định, tính chung 6 tháng đầu năm 2019 chỉ số giá xăng dầu giảm 3,55% so với cùng kỳ năm 2018, góp phần giảm CPI chung 0,15%. 

 

Giá gas, mặc dù tăng liên tục từ tháng 1/2019 đến tháng 5/2019 nhưng do giá gas tháng 6/2019 giảm 8,79% so với tháng 5/2019 nên bình quân 6 tháng đầu năm 2019 giá gas giảm 0,3% so cùng kỳ năm trước. 

 

Tại TPHCM, việc điều chỉnh giảm mức thu học phí học sinh bậc nhà trẻ, trung học cơ sở và bổ túc trung học cơ sở tại các trường công lập trên địa bàn, kéo theo chỉ số giá nhóm giáo dục chung cả nước giảm 0,55% trong tháng 2/2019 góp phần giảm CPI chung 0,03%. 

 

Dịch vụ y tế bình quân 6 tháng đầu năm 2019 giảm 0,03% so với tháng 12 năm trước cũng giúp CPI bình quân 6 tháng đầu năm giảm.

 

Cơ quan thống kê cũng tính toán lạm phát cơ bản tháng 6/2019 tăng 0,16% so với tháng trước, tăng 1,96% so với cùng kỳ. Trong 6 tháng đầu năm 2019, lạm phát tăng 1,87% so với cùng kỳ năm 2018.

 

Trong 6 tháng đầu năm 2019, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do việc tăng giá lương thực, thực phẩm và giá xăng dầu. 

 

Lạm phát cơ bản 6 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ ở mức 1,87% phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định.

 

Theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, việc duy trì tốc độ tăng CPI ở mức ổn định trong giới hạn cho phép, trong bối cảnh sức mua, niềm tin người tiêu dùng tương đối cao là quan trọng.  Việc kiểm soát tốt mức tăng CPI đi đôi với duy trì tốc độ tăng trưởng, góp phần đạt mục tiêu về kinh tế vi mô là tăng trưởng 6,6%-6,9%, lạm phát từ 3,9% trở xuống trong năm 2019.

 

Theo Chinhphu.vn