Thứ Năm, 08/05/2025 01:15

Lan tỏa tinh thần đoàn kết, hòa bình và nhân văn

07/05/2025 - 09:47 | Văn hóa - thể thao

Lịch sử đã ghi nhận sự đồng hành và đóng góp to lớn của Phật giáo trong suốt hành trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Phật giáo không chỉ hòa quyện với bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn bồi đắp nền tảng đạo đức, tinh thần yêu nước và lòng nhân ái trong tâm hồn người Việt Nam.

Lan tỏa tinh thần đoàn kết, hòa bình và nhân văn- Ảnh 1.

Ngày 6/5, Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc - Vesak 2025 khai mạc trọng thể tại Học viện Phật giáo Việt Nam ở TPHCM - Ảnh: VGP

Đại lễ Vesak là sự kiện trọng đại nhất của cộng đồng Phật giáo thế giới, nhằm tưởng niệm ba cột mốc thiêng liêng trong cuộc đời Đức Phật Thích-ca Mâu-ni: ngày Đản sinh, Thành đạo và Nhập Niết bàn (tam hợp Đức Phật). Đây không chỉ là dịp tôn vinh những giá trị tâm linh sâu sắc của đạo Phật, mà còn là thời điểm để nhân loại cùng suy ngẫm, lan tỏa tinh thần từ bi, trí tuệ và cùng nhau hành động vì một thế giới hòa bình, phát triển hài hòa và bền vững.

Năm nay, Việt Nam vinh dự lần thứ tư được chọn đăng cai Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc lần thứ 20, với chủ đề: "Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo về hòa bình thế giới và phát triển con người." Sự kiện thể hiện niềm tự hào của Phật giáo Việt Nam, đồng thời khẳng định vị thế ngày càng nổi bật của đất nước trên trường quốc tế – như một biểu tượng của hòa bình, nhân văn và tinh thần hội nhập sâu rộng.

Lan tỏa tinh thần đoàn kết, hòa bình và nhân văn- Ảnh 2.

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Ảnh: Giác Ngộ

Phật giáo – Dòng chảy xuyên suốt trong lịch sử dân tộc

Theo Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lịch sử đã ghi nhận sự đồng hành và đóng góp to lớn của Phật giáo trong suốt hành trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Phật giáo không chỉ hòa quyện với bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn bồi đắp nền tảng đạo đức, tinh thần yêu nước và lòng nhân ái trong tâm hồn người Việt Nam.

Triết lý đoàn kết và bao dung của đạo Phật đã trở thành một phần cốt lõi trong bản sắc Việt – nơi giá trị yêu thương, chia sẻ và "lá lành đùm lá rách" được hun đúc qua nhiều thế hệ. Đại lão Hòa thượng nhấn mạnh: "Đoàn kết là di sản vô giá, là truyền thống quý báu của mỗi người Việt Nam; là sức mạnh đưa dân tộc vượt qua mọi thử thách, giành lấy những chiến thắng vẻ vang suốt chiều dài lịch sử".

Đại lễ Vesak 2025 là cơ hội để thế giới hiểu rõ hơn về hình ảnh một Việt Nam hòa hiếu, thân thiện và giàu lòng bao dung. Đây cũng là dịp để Việt Nam khẳng định với cộng đồng quốc tế chính sách nhất quán về tự do tín ngưỡng, tôn trọng các giá trị đạo đức, nhân văn của các tôn giáo, trong đó có Phật giáo – vốn gắn bó sâu sắc với đời sống tinh thần người dân.

Sự kiện còn là nơi hội tụ tâm linh, là minh chứng sống động cho sự hội nhập tích cực của Phật giáo Việt Nam vào dòng chảy thế giới. Qua đó, những giá trị tốt đẹp của đạo pháp và truyền thống dân tộc sẽ tiếp tục được lan tỏa, góp phần xây dựng một tương lai thịnh vượng và phát triển bền vững.

Lan tỏa tinh thần đoàn kết, hòa bình và nhân văn- Ảnh 3.

Sự kết hợp hài hòa giữa đạo pháp và dân tộc giúp lan tỏa những giáo lý minh triết của Đức Phật để kiến tạo hòa bình, hạnh phúc - Ảnh: VGP

Đồng hành cùng dân tộc trong kỷ nguyên phát triển

Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung cho biết: "Trong khuôn khổ Đại lễ Vesak 2025, các hoạt động tri ân, tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ; thăm hỏi và tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại các trung tâm bảo trợ xã hội; đêm hội hoa đăng quốc tế cầu nguyện quốc thái dân an, hòa bình thế giới… góp phần lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân ái của Phật giáo. Đồng thời, là dịp để thể hiện sự hòa hợp giữa Phật giáo quốc tế và Phật giáo Việt Nam, chung tay vun đắp một thế giới văn minh, phát triển bền vững, hài hòa giữa giá trị vật chất và tinh thần; phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam – luôn quan tâm, bảo đảm không để ai bị bỏ lại phía sau."

Thông qua Đại lễ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò trong các hoạt động từ thiện, nhân đạo và chăm lo an sinh xã hội – những hành động thiết thực mang đậm tinh thần từ bi của Phật giáo. Qua đó, Phật giáo khẳng định chức năng xã hội của mình trong thời đại mới, khi đạo pháp không chỉ giới hạn ở hành trình cá nhân, mà còn lan tỏa thành những hành động vì cộng đồng.

Tinh thần đoàn kết, chung sức của Tăng ni, Phật tử trong và ngoài nước là nền tảng vững chắc để xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển ổn định, trang nghiêm và mạnh mẽ. Phát huy tinh thần đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo đóng góp quan trọng vào sự phát triển đất nước, nhất là trong thời kỳ dân tộc Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ và khẳng định vị thế quốc gia trên trường quốc tế, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Sự kết hợp hài hòa giữa đạo pháp và dân tộc không chỉ giúp Phật giáo Việt Nam khẳng định vai trò quan trọng trong đời sống xã hội mà còn lan tỏa những giáo lý minh triết của Đức Phật để kiến tạo hòa bình, hạnh phúc cho nhân loại. Đây cũng là sức mạnh kết nối cộng đồng, mọi tầng lớp nhân dân, mọi thời đại, góp phần xây dựng và phát huy ý thức văn hóa truyền thống, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Năm 1999, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) thông qua Nghị quyết 54/115, chính thức công nhận Vesak là ngày lễ quốc tế. Từ đó, lễ Vesak được tổ chức hằng năm tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York và các văn phòng trên toàn cầu, thu hút sự tham gia của hàng chục quốc gia.

Đến năm 2024, LHQ đã tổ chức 25 lần ngày Vesak tại trụ sở LHQ ở New York kể từ năm 2000, trong khi cộng đồng Phật giáo thế giới thông qua Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak LHQ (ICDV) đã tổ chức 20 lần Đại lễ Vesak LHQ, trong đó, 15 lần tại Thailand, 1 lần tại Sri Lanka năm 2017 và 4 lần tại Việt Nam gồm: Vesak LHQ năm 2008 tại Hà Nội với 87 quốc gia; Vesak LHQ năm 2014 tại tỉnh Ninh Bình với 95 quốc gia; Vesak LHQ năm 2019 tại tỉnh Hà Nam với 112 quốc gia. Việt Nam có vinh dự tiếp tục tổ chức Vesak LHQ năm 2025 với hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự.

Theo Chinhphu.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem thêm