Thứ Bảy, 03/05/2025 21:53

Bám sát mục tiêu Olympic, ASIAD

03/05/2025 - 08:59 | Văn hóa - thể thao

Hiện tại, ngành Thể thao đang gấp rút hoàn thiện dự thảo Điều lệ khung kế hoạch tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2026. Trong những phần việc cần phải hoàn thành, vấn đề xác định số môn thi đấu trong khuôn khổ Đại hội nhận được sự quan tâm nhiều hơn cả và hầu hết ý kiến đều cho rằng cần bám sát chương trình thi đấu Olympic, ASIAD để không phân tán nguồn lực của các địa phương.

thuy-vi.jpg

Môn wushu thường có mặt ở ASIAD nên sẽ có tên trong chương trình thi đấu Đại hội thể thao toàn quốc thời gian tới. Ảnh: Bùi Lượng

Nhiều môn nên khó nói chuyện trọng điểm

Mới đây, tại Hội thảo góp ý xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm tham dự các kỳ Olympic và ASIAD giai đoạn 2026 - 2046, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao (nay là Cục Thể dục thể thao Việt Nam) Vương Bích Thắng cho rằng, các nhà quản lý cần có cách tiếp cận khác khi xác định số môn thi đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2026 cũng như các kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc sau này. Cách tiếp cận và quyết định được đưa ra sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến định hướng đầu tư phát triển thể thao thành tích cao ở từng địa phương.

Theo ông Vương Bích Thắng, một trong những lý do khiến nhiều năm qua, các địa phương phân tán nguồn lực, không thể tập trung hoàn toàn cho các môn trong chương trình thi đấu Olympic, ASIAD theo định hướng của ngành Thể thao chính là do phải “chạy theo” chương trình thi đấu của Đại hội Thể thao toàn quốc. Điều này khá mâu thuẫn với định hướng từ Trung ương, đặc biệt là từ năm 2018, khi tên Đại hội đã được đổi từ Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc thành Đại hội Thể thao toàn quốc. Việc bỏ chữ “thể dục” so với tên gọi trước đây cho thấy tính chất thiên về thể thao thành tích cao của Đại hội.

Trong thực tế, số môn thi đấu của Đại hội Thể thao toàn quốc ngày càng nhiều, trong đó có nhiều môn không thuộc chương trình thi đấu Olympic, ASIAD, thậm chí không thường xuyên xuất hiện trong chương trình thi đấu SEA Games... Ít quan trọng là thế nhưng số bộ huy chương tại Đại hội Thể thao toàn quốc của những môn này lại khá nhiều. Điều đó khiến nhiều địa phương dồn kinh phí đầu tư cho những môn này để có được thứ hạng cao trong bảng xếp hạng toàn đoàn tại Đại hội thay vì đầu tư theo định hướng chung là ưu tiên cho các môn Olympic, ASIAD.

Như tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII - năm 2018, chương trình thi đấu có 36 môn, 743 nội dung thi đấu. Đến Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX - năm 2022, một “kỷ lục” đã xuất hiện khi có tới 43 môn thi và 941 nội dung thi đấu, trong đó có vật dân tộc, lân sư rồng, võ cổ truyền, đẩy gậy, kéo co... Đó là những môn hoàn toàn có thể đưa vào một sân chơi khác, phù hợp hơn.

Kinh nghiệm của thể thao Trung Quốc có thể được các nhà quản lý thể thao tham khảo khi nước này tách bạch một mảng về thể thao phong trào, một mảng về thể thao chuyên nghiệp. Đại hội Thể thao toàn quốc Trung Quốc ưu tiên cho các môn thường xuyên có trong chương trình thi đấu Olympic, ASIAD.

Cần có sự đột phá trong cách nghĩ, cách làm

Điều lệ khung Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X - năm 2026 hiện vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Như thế là khá muộn so với yêu cầu bởi về nguyên tắc, cần ban hành Điều lệ khung Đại hội Thể thao toàn quốc kỳ tiếp theo (trong đó nội dung quan trọng nhất là số môn, số nội dung thi đấu) ngay sau khi Đại hội Thể thao toàn quốc kết thúc. Làm được như vậy thì các địa phương có định hướng và kế hoạch đầu tư hiệu quả cho thể thao thành tích cao. Việc ban hành Điều lệ khung muộn vô tình đẩy các địa phương vào thế bị động.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hà Nội Đới Đăng Hỷ, đến nay Trung tâm vẫn đang chờ Điều lệ khung Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2026. Trung tâm mong Điều lệ khung Đại hội sẽ chỉ gồm những môn thể thao có trong chương trình thi đấu Olympic, ASIAD, thường xuyên xuất hiện trong các kỳ SEA Games. Ngoài ra, số nội dung thi đấu cũng cần bám sát định hướng nói trên, có độ mở nhất định để khuyến khích các địa phương đầu tư cho thể thao thành tích cao.

Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Vương Bích Thắng cũng cho rằng, ngay ở kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2026, cần rút kinh nghiệm từ những kỳ Đại hội trước để điều chỉnh số môn thi đấu theo hướng tập trung vào các môn Olympic, ASIAD. Từ định hướng rõ ràng này, các địa phương có thể chủ động lập kế hoạch thực hiện, gia tăng nguồn lực để chung tay cùng cấp Trung ương triển khai Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm tham dự các kỳ Olympic và ASIAD giai đoạn 2026-2046 khi chương trình này được phê duyệt.

Với những bất cập đã được nhận diện cũng như nhiều giải pháp được đưa ra, rõ ràng ngành Thể thao cũng đã nhìn thấy vấn đề trong phát triển thể thao thành tích cao. Khi nguồn lực đầu tư cho thể thao thành tích cao từ cấp Trung ương, địa phương hay từ nguồn xã hội hóa còn hạn chế thì càng cần chú trọng nâng cao hiệu quả đầu tư, không để lãng phí nguồn lực.

Theo Báo Hànộimới

Tin cùng chuyên mục

Xem thêm