Thứ Ba, 04/02/2025 05:08

Giảm chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh để sản xuất lúa bền vững

03/02/2025 - 09:34 | Kinh tế

Giá lúa gạo lên cao hay sụt giảm là quy luật tất yếu của thị trường. Vấn đề cốt lõi là làm sao tiết giảm tối đa chi phí đầu vào, tránh thất thoát, lãng phí.

Giảm chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh để sản xuất lúa bền vững là điều được ngành nông nghiệp đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho các hợp tác xã, tổ hợp tác được liên tục thực hiện. Nhờ đó, bà con mạnh dạn áp dụng để có thể tăng năng suất, chất lượng và lợi nhuận.

Thăm đồng đầu năm, ông Đào rất phấn khởi vì lúa phát triển tốt. Thời gian qua, nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật mà chi phí đầu vào được kéo giảm đáng kể so với những năm trước. Tuy thời gian gần đây giá lúa giảm sâu nhưng ông cũng như nhiều bà con vẫn sẽ có lời ở mức khá, từ 30-40%.

Ông Trần Văn Đào - Phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ cho biết: “Một công cũng lời khoảng 2,5 triệu đồng. Cũng như mình có học lớp IPM để giảm phân, giảm thuốc, giảm giống. Mỗi thứ giảm một ít cũng đỡ hơn”.

Vụ Đông Xuân năm 2024-2025, TP. Cần Thơ xuống giống hơn 72.000 ha, hiện đang trong giai đoạn từ xanh chắc đến chín. Trà lúa đẹp với dự báo năng suất đạt khá cao. Đây là thành quả chuyển giao gói kỹ thuật Đề án 1 triệu ha của ngành nông nghiệp.

Ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ chia sẻ: “Ứng dụng gói kỹ thuật này, bà con sẽ giảm được hơn 50% lượng giống, khoảng trên 30% lượng phân bón hóa học, giảm khí phát thải khí nhà kính. Đồng thời, sẽ tăng cường gắn kết doanh nghiệp với từng hợp tác xã, với bà con để hình thành chuỗi liên kết ngày càng chặt chẽ”.

Giá lúa gạo lên cao hay sụt giảm là quy luật tất yếu của thị trường. Vấn đề cốt lõi là làm sao tiết giảm tối đa chi phí đầu vào, tránh thất thoát, lãng phí. Đó là giải pháp quan trọng hàng đầu để đảm bảo lợi nhuận cho bà con trước biến động của thị trường, giúp nghề trồng lúa phát triển bền vững.

Theo VTV.VN

Tin cùng chuyên mục

Xem thêm