Chủ Nhật, 13/04/2025 20:00

Cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn về cơ chế đấu thầu

12/04/2025 - 09:06 | Kinh tế

Theo Luật đấu thầu mới, mua sắm trên 300 triệu đồng mới phải đấu thầu. Quy định này phần nào làm bớt đi thủ tục rườm rà cho các gói mua sắm nhỏ.

Thực hiện thí điểm cơ chế khoán chi là một trong những điểm đột phá được nêu trong Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 03 của Chính phủ và Nghị quyết số 193 của Quốc hội về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 193 của Quốc hội, việc khoán chi sẽ không áp dụng thí điểm đối với một số hoạt động như chi mua tài sản được trang bị để triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ, thuê dịch vụ thuê ngoài và cử đoàn đi công tác nước ngoài.

Thiết bị thí nghiệm, nguyên liệu, vật tư, máy móc - trước đây, cứ mua sắm trên 100 triệu đồng, các nhà khoa học phải tổ chức đấu thầu. Nhưng theo Luật đấu thầu mới, mua sắm trên 300 triệu đồng mới phải đấu thầu. Quy định này phần nào làm bớt đi thủ tục rườm rà cho các gói mua sắm nhỏ. Tuy nhiên, với những tài sản mua sắm trên 300 triệu đồng bằng kinh phí Nhà nước, vốn chiếm tỷ lệ lớn trong các công trình nghiên cứu, vẫn phải thực hiện đấu thầu.

GS.TS. Nguyễn Đình Đức - Nguyên Trưởng Ban Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Đấu thầu cứ phải chọn giá rẻ nhất. Thành thử nhiều khi giá rẻ nhất lại vào cuộc. Trong thực tế, khi rẻ nhất lại nảy sinh vấn đề như hỏng hóc, những phụ kiện kèm theo, lúc bấy giờ chúng ta phải bổ sung thêm nguồn kinh phí khác. Đây là bất cập mà chúng ta không lường hết được".

Cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn về cơ chế đấu thầu - Ảnh 1.

Theo các nhà khoa học, cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng cơ chế thí điểm cởi mở hơn

Một khó khăn khác là đấu thầu thuê dịch vụ thuê ngoài. Trong quá trình thực hiện đề tài, nhiều hạng mục như phân tích, đo đạc, kiểm định... cần phải thuê đơn vị độc lập để đảm bảo tính khách quan. Nhưng các đơn vị đủ năng lực không mặn mà với các gói thầu nhỏ. Ngược lại, đơn vị nhỏ lại không đáp ứng yêu cầu. Thế nên có những gói thầu gia hạn nhiều lần vẫn không có đơn vị dịch vụ nào đăng ký.

GS.TS. Vũ Thị Thu Hà - Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc, hóa dầu chia sẻ: "Là người làm khoa học có nghĩa là đổi mới sáng tạo, là đi đầu, vậy đi đầu lại phải quay ngược trở lại tìm một ai đó để đi sau để họ đánh giá, phân tích các kết quả cuối cùng chúng ta đạt được. Đó cũng là thiếu về mặt logic".

Một hoạt động khác cũng không được phép khoán chi là đoàn đi công tác nước ngoài. Điều này có thể dẫn đến khó khăn, hạn chế cho hoạt động nghiên cứu, giao lưu học thuật quốc tế, vốn rất cần thiết.

GS.TS. Nguyễn Đình Đức - Nguyên Trưởng Ban Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: "Dù sao đi nữa, chúng ta phải thay đổi tư duy, phải thấy được là nhà khoa học phải tạo những cơ chế tốt nhất, điều kiện nhanh nhất, điều kiện cao nhất để người ta có thể phát huy được. Bên cạnh đó, chúng ta có cơ chế để giám sát, chứ không phải có cơ chế để chúng ta không tin tưởng. Nhưng chúng ta lại đặt ra rất nhiều rào cản, trên thực tế nó không khả thi và ai cũng nhìn thấy nhưng không tháo gỡ được".

Theo các nhà khoa học, nếu không cho phép khoán chi đối với các hoạt động trên, thì cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng cơ chế thí điểm cởi mở hơn, như cho phép nâng hạn mức chỉ định thầu, điều chỉnh các quy định về thuê dịch vụ bên ngoài, cho phép các cơ sở nghiên cứu công lập được triển khai dịch vụ để phát huy lợi thế của chính mình.

Theo VTV.VN

Tin cùng chuyên mục

Xem thêm