Thứ Tư, 12/02/2025 12:53

165.000 shop bán hàng rời sàn thương mại điện tử

12/02/2025 - 08:54 | Kinh tế

Tăng trưởng mạnh mẽ song mức độ cạnh tranh tại thị trường thương mại điện tử Việt Nam là rất lớn.

Giờ đây không ít người đã đặt hàng qua mạng còn nhiều hơn cả thời gian đi chợ hay đi siêu thị để sắm đồ. Trong 4 năm qua, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm từ 16 - 30%.

Năm ngoái, thương mại điện tử Việt Nam đã vượt mốc 25 tỷ USD. Cùng với những động lực tăng trưởng mới, dự báo thị trường này sẽ tăng vượt 31 tỷ USD trong năm nay.

Giảm bớt kênh bán lẻ truyền thống để chuyển dịch kinh doanh thương mại điện tử cho thấy hiệu quả rõ rệt. Sản phẩm tẩy rửa OCOP Việt Nam từ phế phẩm là vỏ dứa, qua kênh bán hàng trực tuyến, đến được với nhiều người tiêu dùng hơn; giúp doanh nghiệp tự tin sẽ đạt mục tiêu doanh số cả năm.

Chị Trần Thị Thanh - Đồng sáng lập Công ty Fuwa 3e cho biết: "Chiến dịch truyền thông kết hợp với người nổi tiếng giúp lan tỏa sản phẩm nhiều hơn. Kết hợp với người ảnh hưởng và có thể đạt 500 đơn/phiên".

Theo "Báo cáo Thị trường sàn bán lẻ trực tuyến" của Metric, tổng doanh số của 5 sàn thương mại điện phổ biến nhất tại Việt Nam đến hết năm 2024 đạt trên 318.000 tỷ đồng, tăng trưởng trên 37% cho thấy sức mua của thị trường vẫn duy trì ở mức cao, tiếp đà cho tăng trưởng cả năm 2025. Dù rất triển vọng, nhưng tăng trưởng không dành cho tất cả, mà chỉ những đơn vị có kế hoạch kỹ lưỡng từ đầu năm.

Ông Nguyễn Lâm Thanh - Đại diện Tiktok Việt Nam nêu ý kiến: "Chất lượng hàng hóa nội địa, thứ hai là giải thích giá trị của hàng hoá đến người tiêu dùng. Từ góc độ của Tik Tok và Tik Tok Shop, chúng tôi có nhiều chương trình đào tạo, nâng cao kỹ năng cho các nhà bán trong nước, những nhà sản xuất trong nước. Để tăng trưởng GDP 8%, tôi dự kiến doanh thu của ngành bán lẻ ở Việt Nam tăng trưởng khoảng 12% và thương mại điện tử tăng trưởng không dưới 24%".

Ông Nguyễn Bình Minh - Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nhận định: "Nếu chúng ta tiếp tục duy trì tăng trưởng từ 20-22% thì con số 31 tỷ hoàn toàn khả thi. Phát triển TMĐT còn tương đối rộng, con số này có thể vượt trên mức như vậy".

Về ngành hàng, làm đẹp, nhà cửa đời sống và thời trang nữ là ba lĩnh vực mang lại doanh số nhiều nhất. Tuy nhiên, xu hướng là bách hóa - thực phẩm đang nổi bật lên với mức tăng trưởng lên đến 76% - cao nhất trong số các ngành hàng đang cho thấy sự thay đổi đổi rõ rệt trong hành vi mua sắm. Sự phát triển của nhóm này cũng sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội cho các nhà cung cấp địa phương và kéo giảm khoảng cách chênh lệch TMĐT giữa các địa phương đang còn tồn tại nhiều năm nay.

165.000 shop bán hàng rời sàn thương mại điện tử - Ảnh 1.

Cùng với những động lực tăng trưởng mới, dự báo thị trường này sẽ tăng vượt 31 tỷ USD trong năm nay

Cạnh tranh thương mại điện tử khốc liệt

Thương mại điện tử phát triển là vậy nhưng có một nghịch lý là số lượng cửa hàng phát sinh đơn hàng lại giảm đến hơn 20%, tương đương 165.000 shop rời bỏ thương mại điện tử. Những con số này phản ánh sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn trên TMĐT năm nay.

Dù tăng trưởng TMĐT Việt Nam đang rất cao, tuy nhiên chứng kiến sự gia tăng đáng kể của hàng hóa nhập khẩu khi có đến trên 320 triệu sản phẩm được tiêu thụ trong năm 2024 với doanh thu lên đến 14.200 tỷ đồng. Câu chuyện mở ra đầu năm 2025 là những nhà sản xuất thương hiệu nội địa Việt Nam không chỉ cần có chất lượng sản phẩm tốt mà còn cần am hiểu môi trường kinh doanh trên TMĐT mới có thể tăng trưởng được doanh số.

Ngành hàng hoá mỹ phẩm vốn là cuộc chơi của thương hiệu ngoại trên hệ thống phân phối bán lẻ. Tuy nhiên, với những nỗ lực đưa hàng Việt Nam đến tận tay người tiêu dùng Việt, nhà sản xuất nước giặt xả, nước rửa chén này định vị hình ảnh thương hiệu hàng Việt Nam sử dụng nguyên liệu nguồn gốc từ thiên nhiên, phân huỷ sinh học, đảm bảo an toàn sức khỏe, từ đó đi đầu ngành hàng hoá mỹ phẩm trên kênh online.

Ông Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc Công ty Hoá mỹ phẩm S Việt AAB chia sẻ: "Các thương hiệu nước ngoài tập trung phát triển và bán trên các hệ thống như siêu thị và cửa hàng nhỏ lẻ. Chúng tôi sẽ thay đổi, phát triển trên các sàn TMĐT, đưa hàng trực tiếp từ nhà máy sản xuất đến tay người tiêu dùng nhằm đảm bảo người tiêu dùng có giá sản phẩm tốt nhất".

Còn ở vai trò nền tảng bán hàng, giải pháp thúc đẩy hàng Việt Nam tăng doanh số, cạnh tranh với hàng ngoại nhập - đó là liên tục hỗ trợ chuyên sâu, đào tạo kỹ năng cho nhà bán hàng Việt Nam sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm nay. Như gian hàng OCOP địa phương này, nhờ nền tảng hỗ trợ, được KOLs nổi tiếng bán hàng, dù mới chỉ "lên sàn" được 10 tháng đã ghi nhận doanh thu lớn và tăng gấp tới ba lần dịp Tết Ất Tỵ.

Ông Nguyễn Lâm Thanh - Đại diện Tiktok Việt Nam cho biết: "Năm 2025, chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục đào tạo cho ít nhất 10.000 doanh nghiệp Việt Nam ở mức độ sâu hơn, có những chương trình dài hạn, cầm tay chỉ việc kéo dài 3 tháng đến 6 tháng".

Theo Bộ Công thương, thách thức thị trường với hàng nội địa gồm năng lực sản xuất và chất lượng hàng hóa còn chưa cao, khâu thương hiệu còn yếu và chi phí vận chuyển nội địa vẫn cao.

Ông Hoàng Ninh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương nhận định: “Chúng tôi liên tục tăng cường, giám sát chặt chẽ thị trường để đảm bảo hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị ngăn chặn trên môi trường thương mại điện tử".

Thời gian qua, Chính phủ đã ngừng miễn thuế hàng nhập khẩu từ nước ngoài dưới 1 triệu đồng gửi qua kênh chuyển phát nhanh, cùng với đó là chính sách giảm thuế VAT cho hàng sản xuất, kinh doanh xuống 8% vẫn đang được tiếp tục. Những giải pháp này sẽ góp phần tạo môi trường cạnh tranh công bằng hơn giữa hàng nội địa và nhập khẩu, khuyến khích ngành sản xuất trong nước.

165.000 shop bán hàng rời sàn thương mại điện tử - Ảnh 2.

Bộ Công thương đang xây dựng luật TMĐT để theo kịp tốc độ phát triển nhanh chóng của TMĐT

Cần xây dựng luật thương mại điện tử

Về giải pháp phát triển TMĐT dài hạn, Bộ Công thương đang xây dựng luật TMĐT để theo kịp tốc độ phát triển nhanh chóng của TMĐT, từ đó tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng cho hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu. Trên thế giới hiện có nhiều nước đã xây dựng Luật Thương mại điện tử. Cụ thể như tại Malaysia, Campuchia, Philippines, Hungary, Rumani, Macedonia, Ireland, Malta, Luxembourg, Iran, Trung Quốc. Về cơ bản, các nước này công nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu điện tử, nhằm tạo ra môi trường pháp lý an toàn cho các hoạt động thương mại điện tử.

Một số nước khác, tuy không xây dựng Luật Thương mại điện tử, nhưng đã có những văn bản điều chỉnh riêng cho lĩnh vực này. Chẳng hạn, Uỷ ban châu Âu ban hành Chỉ thị về thương mại điện tử vào năm 2000 và gần đây là Đạo luật Kỹ thuật số.

Hay Indonesia ban hành Quy định về thương mại điện tử, và Quy định về cấp phép kinh doanh, quảng cáo, hướng dẫn và giám sát các doanh nghiệp thương mại thông qua hệ thống điện tử.

Mặt khác, một số nước xây dựng luật liên quan đến thương mại điện tử từ góc độ bảo vệ người tiêu dùng với mục đích nâng cao niềm tin của người tiêu dùng đối với thương mại điện tử, từ đó, thúc đẩy lĩnh vực này phát triển lành mạnh, bền vững.

Nhật Bản ban hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng mua sắm trên các nền tảng số. Hàn Quốc ban hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Ấn Độ ban hành Quy định về thương mại điện tử năm 2020 theo quy định của Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2019.

Với độ mở lớn, có sự tham gia sâu của các sàn thương mại điện tử và người bán nước ngoài, có lợi thế hàng giá rẻ, mạng lưới giao vận hiện đại, việc hình thành khung pháp lý chặt chẽ hơn. phù hợp với bối cảnh mới là cần thiết, để vừa khuyến khích những mô hình kinh doanh mới, vừa cạnh tranh bình đẳng với sản phẩm trong nước.

Theo VTV.VN

Tin cùng chuyên mục

Xem thêm