Thứ Tư, 30/04/2025 13:53

Ký ức lịch sử hào hùng sau ngày chiến tranh lùi xa

30/04/2025 - 09:08 | Xã hội

50 năm sau ngày chiến tranh lùi xa, những người lính thông tin, cựu chiến binh thăm lại chiến trường xưa, tìm về những kỷ vật để đắm mình trong ký ức lịch sử hào hùng.

Hòa bình hôm nay là thành quả của quá khứ và là trách nhiệm gìn giữ của hiện tại. Mỗi hành động tử tế, mỗi nỗ lực vươn lên đều đang âm thầm vun đắp cho một Việt Nam rạng rỡ hơn.

Thành phố mang tên Bác đang ngập tràn hân hoan mừng 50 năm đất nước thống nhất, nhưng đâu đó vẫn có những góc trầm lắng đầy hoài niệm.

Nhiều người thay vì hòa mình vào không khí háo hức, náo nhiệt của các hoạt động chào mừng, lại dành thời gian thăm lại chiến trường xưa, tìm về những kỷ vật để đắm mình trong ký ức hào hùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ký ức lịch sử hào hùng sau ngày chiến tranh lùi xa - Ảnh 1.

500 hiện vật và hình ảnh đang được trưng bày tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh tái hiện những mốc lịch sử quan trọng của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

"Để cho khách tham quan thấy được sự hy sinh, gian khổ, tài mưu trí sáng tạo của cán bộ chiến sỹ ta, kết hợp trong và ngoài, chủ lực và địa phương, để giành thắng lợi trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử", Đại tá Nguyễn Như Trúc (Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7) chia sẻ.

Tròn 50 năm thống nhất đất nước, những người lính thông tin của Sư đoàn 7, Quân khu 7 tìm về những kỷ vật chiến trường, hồi tưởng về những ngày tháng chiến trận ác liệt, mưa bom bão đạn, lại càng xót xa khi nghĩ tới những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống.

"Chúng tôi không bao giờ nghĩ là mình còn sống. Chạm tay vào lá cờ là tôi nhớ đồng chí, đồng đội, đồng bào đã ngã xuống. Có được lá cờ này phải đổi biết bao xương máu", Thượng úy Lê Minh Thư (cựu chiến binh Sư đoàn 7, Quân khu 7) xúc động nói.

50 năm sau ngày chiến tranh lùi xa, những cựu chiến binh đang trong một hành trình ký ức lịch sử. Chiến thắng Phước Long, giải phóng Xuân Lộc, Biên Hòa rồi thần tốc tiến vào Sài Gòn, Quân ta toàn thắng.

Ký ức lịch sử hào hùng sau ngày chiến tranh lùi xa - Ảnh 2.

"Kỷ niệm 50 năm, lòng yêu nước trong chúng tôi trào dâng, truyền lại cho con cháu và các thế hệ mai sau mãi mãi biết ơn và giữ cho đất nước ta không bao giờ có chiến tranh nữa", Thượng úy Lê Minh Thư (cựu chiến binh Sư đoàn 7, Quân khu 7) nói.

Chạm tay được vào lịch sử hôm nay còn có em nhỏ. Trong những bức ảnh đang trưng bày ở bảo tàng có ông nội của em Nguyễn Nam Việt - Đại tá Nguyễn Văn Tàu.

"Tự hào vì ông con đã đi chiến tranh và giành lại độc lập cho đất nước", học sinh Nguyễn Nam Việt (Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ.

Chiến tranh với con trẻ ngày nay chỉ còn là kiến thức lịch sử, là hiện vật trong bảo tàng. Điều này được đánh đổi bằng hy sinh xương máu của biết bao thế hệ cha anh đi trước.

Theo VTV.VN

Tin cùng chuyên mục

Xem thêm