Thứ Năm, 21/11/2024 17:23

Tuyên Quang đẩy mạnh hợp tác, phát triển sản phẩm thương mại, du lịch

10/11/2024 - 10:02 | Văn hóa - thể thao

Nhằm giới thiệu, quảng bá rộng rãi về tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của tỉnh Tuyên Quang và tạo điều kiện để các nhà đầu tư, các tổ chức, doanh nghiệp tìm hiểu về cơ chế, chính sách ưu đãi và môi trường đầu tư trong lĩnh vực thương mại, du lịch, làng nghề giữa tỉnh Tuyên Quang với các tỉnh, thành phố trong cả nước, ngày 9-11, tại Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang phối hợp với thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Kết nối giao thương, thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang năm 2024.

Tiềm năng đa dạng, phong phú

Nằm ở vùng trung du miền núi phía Bắc, cách trung tâm Hà Nội 140km, Tuyên Quang sở hữu cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành cùng tiềm năng du lịch phong phú với hơn 500 di tích lịch sử và 16 di sản văn hóa phi vật thể. Tuyên Quang còn là nơi hội tụ, giao thoa văn hóa của các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc với nhiều lễ hội đặc sắc, những truyền thuyết, những làn điệu dân ca thắm đượm tình người.

Cọc Vài Phạ (Khu du lịch sinh thái Na Hang, huyện Lâm Bình) là một trong những thắng cảnh đẹp nổi tiếng của Tuyên Quang.

Chia sẻ về những tiềm năng, lợi thế của Tuyên Quang tại Hội nghị Kết nối giao thương, thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang năm 2024, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Tiến Hưng cho biết: Nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn đa dạng, Tuyên Quang xác định việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với 4 sản phẩm đặc thù gồm: Du lịch thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tâm linh - lễ hội...

Các sản phẩm OCOP của Tuyên Quang được nhiều người tiêu dùng ưa thích, lựa chọn.

Bên cạnh đó, nhờ sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu nên Tuyên Quang có nhiều lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp với những sản phẩm nông sản sạch, chất lượng cao. Toàn tỉnh hiện có 248 sản phẩm OCOP được gắn 3 sao trở lên, trong đó có 4 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý gồm: Cam sành Hàm Yên, chè Shan tuyết Na Hang, rượu ngô men lá Na Hang và bưởi Soi Hà. Không ít sản phẩm được xuất khẩu sang các nước châu Âu là những sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tỉnh hiện có 121 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG1719), tỉnh đã thực hiện 10 dự án và 13 tiểu dự án. Trong giai đoạn 2022-2024, tỉnh đã phân bổ 2.203 tỷ đồng để triển khai các nội dung chính sách thuộc chương trình. Nhờ đó, 11 xã khu vực III, 8 xã khu vực II đã hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới trở thành xã khu vực I, đạt mục tiêu chương trình đề ra. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, dám nghĩ, dám làm, vươn lên làm giàu.

“Lực đẩy” để vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển

Tại hội nghị, các đại biểu, doanh nghiệp đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm tìm giải pháp để thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Tuyên Quang.

Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát (huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang) Phạm Thị Hồng cho rằng, việc kết nối giao thương, tăng cường quảng bá sản phẩm, phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến công nghệ cao đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu là “lực đẩy” góp phần phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, cần có sự đồng hành của chính quyền địa phương và các nhà đầu tư để sản phẩm nông sản của Tuyên Quang đến được với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Đại diện Hiệp hội Du lịch thành phố Hà Nội và Hiệp hội Du lịch tỉnh Tuyên Quang ký kết biên bản hợp tác.

Nhấn mạnh đến yếu tố phát triển bền vững, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Nhà sáng lập Green Nature Nguyễn Thị Minh Hà cho rằng: “Để phát triển một cách bền vững từ gốc, Tuyên Quang cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh cần quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa để phát triển thương mại, du lịch một cách bền vững”.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Tiến Hưng phát biểu tại hội nghị.

Theo Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh, Tuyên Quang cần có quy hoạch tổng thể, đồng bộ và có các chính sách ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục hành chính để thu hút các nhà đầu tư; phát triển cơ sở hạ tầng, đường giao thông nhằm tăng cường kết nối, quảng bá và đẩy mạnh giao thương với các địa phương khác. Ngoài ra, tỉnh cần khai thác tiềm năng văn hóa - lịch sử song song với công tác bảo tồn để phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch giữa Hà Nội và Tuyên Quang trong thời gian tới.

Một số sản phẩm OCOP và ấn phẩm quảng bá du lịch của tỉnh Tuyên Quang.

Tiếp thu các ý kiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Tiến Hưng tin tưởng rằng, thời gian tới, các cơ quan, doanh nghiệp đầu tư và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh Tuyên Quang sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc tăng cường hợp tác, khai thác, phát triển và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thương mại, làng nghề.

“Tuyên Quang cam kết sẽ luôn đồng hành với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, có cơ chế và môi trường đầu tư thuận lợi, luôn tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo cầu nối phát triển thương mại, du lịch giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng, khách du lịch trong và ngoài nước, đưa Tuyên Quang trở thành điểm đến hấp dẫn trong thời gian tới”, ông Nguyễn Tiến Hưng nói.

Theo Báo Hànộimới

Tin cùng chuyên mục

Xem thêm